Nhiều giải pháp chặn gian lận thi trực tuyến

Các trường đại học (ĐH) đặc biệt quan tâm việc kiểm soát chặt gian lận thi cử khi đánh giá bằng hình thức trực tuyến.

Thi, kiểm tra đánh giá tại các trường đại học cũng phải thích ứng với hình thức học trực tuyến (Ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Như Ý

“Giám thị” công nghệ

Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa tổ chức xong thi kết thúc học phần các môn học bằng hình thức trắc nghiệm thông qua ứng dụng Quilgo cho sinh viên, không có sự giám sát của giám thị. Khi mở ứng dụng này, sẽ có một khung ghi hình lại quá trình làm bài, kèm đồng hồ đếm thời gian phải nộp bài. Với một số môn thi, sinh viên được phép mở tài liệu giấy. Với những môn không được phép mở tài liệu, ứng dụng ghi hình sẽ thống kê số lần người thi nhìn ra ngoài, nên khó có thể gian lận được. Theo quy định của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên phải chọn vào mục cho phép chia sẻ màn hình trên máy tính và khuôn mặt; nếu thiếu những yếu tố này, bài thi sẽ không được công nhận. Ngoài ra, sinh viên tuyệt đối không được đeo tai nghe trong suốt quá trình thi; nếu vi phạm, bài thi sẽ bị điểm 0.

Bảng thông báo của sinh viên Ngô Minh Quân khi thi trực tuyến

Bảng thông báo của sinh viên Ngô Minh Quân khi thi trực tuyến

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM quy định, sinh viên dự thi tự luận, trắc nghiệm trực tuyến phải kết nối mạng kèm theo camera, micro đảm bảo giữ được hình ảnh và âm thanh của người thi suốt quá trình thi.

Trường ĐH Luật TPHCM quy định, khi thi trực tuyến phải bật camera, bật mic trong suốt quá trình thi để giám thị theo dõi. Mới đây, Ngô Minh Quân, sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM, khiến cộng đồng mạng xã hội chú ý khi treo tấm biển thông báo lịch thi trực tuyến của mình trước cửa nhà. Ở nhà không có phòng riêng, Quân lo tạp âm từ bên ngoài vọng vào làm ảnh hưởng phòng thi, nên quyết định làm biển thông báo lịch thi để hàng xóm thông cảm, hỗ trợ. Quân cho biết đang học trực tuyến tại nhà ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Thay đổi hình thức thi

Ông Phạm Quang Dũng, Phó phòng Đào tạo -Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, cho hay, đối với thi hết môn, nhà trường quy định, khi sinh viên vào thi trực tuyến, một máy chiếu thẳng mặt, một máy chiếu toàn cảnh. Trong suốt quá trình làm bài, sinh viên phải bật camera và bật mic để kiểm soát. Trường sử dụng phần mềm kết hợp nên trong quá trình thi sẽ khóa tất cả ứng dụng trên máy tính sinh viên đang dùng nên người thi không thể tìm đáp án trên mạng hay trao đổi nhóm với nhau. Đợt thi vừa qua cũng có một số thí sinh vi phạm bị nhắc nhở. Khi phát hiện sinh viên gian lận, trường sẽ thực hiện theo đúng quy chế như thi trực tiếp, tùy từng tình huống có thể trừ 25%, 50% hay 100% điểm thi. Để thích ứng với đánh giá trực tuyến, trường đã bỏ hình thức thi viết, chỉ còn thi trắc nghiệm và vấn đáp. Khi kiểm tra, bắt buộc giảng viên phải đến trường, mỗi người một cabin để thực hiện nhiệm vụ.

Ông Phạm Quang Dũng, Phó phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, nói rằng, đáng lo nhất hiện nay là vấn đề thực tập của sinh viên. Các đơn vị không dám nhận sinh viên vì lo dịch bệnh. Trong khi đó, phần lớn sinh viên ở các địa phương cũng chưa thể quay trở lại Hà Nội để có thể học trực tiếp.

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông -Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, khi đến lịch thi, trường cho phép sinh viên chọn thi trực tuyến hoặc trực tiếp. Nếu thi trực tuyến, sinh viên dự thi phải có máy tính hoặc điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm chuyên dụng do trường yêu cầu. “Trong giờ làm bài thi, máy tính cách xa tầm với của sinh viên, nhưng đảm bảo camera và mic luôn mở và bao quát được toàn cảnh sinh viên ngồi làm bài”, ông Nghĩa nói. Đợt đầu tiên tổ chức thi trực tuyến, chỉ có 60-70% sinh viên dự thi do chưa tin tưởng vào hình thức này. Nhưng đến nay, hầu hết sinh viên cơ bản đều muốn thi trực tuyến.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-giai-phap-chan-gian-lan-thi-truc-tuyen-post1390205.tpo