Nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở huyện Hoằng Hóa
Theo số liệu thống kê, lượng chất thải nhựa và túi nilon trên địa bàn Hoằng Hóa chiếm khoảng 8-12% (khoảng 10.080 - 15.120 kg/năm) chất thải rắn sinh hoạt.
Hội viên Hội Phụ nữ thị trấn Bút Sơn dọn vệ sinh trên các con đường trong khu phố.
Trong đó 15% (khoảng 3.780 kg/năm) số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường đất hoặc theo các dòng sông trôi ra biển.
Thời gian qua, huyện Hoằng Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, đối với chất thải nguy hại (CTNH) có nguồn gốc từ nhựa trong y tế đã được thu gom và được hợp đồng vận chuyển tập trung về Trung tâm Y tế dự phòng huyện, sau đó đưa về Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc để xử lý theo cụm. Trong nông nghiệp, đối với bao bì hóa chất bảo vệ thực vật của các xã đã được thu về 1.404 thùng, bể chứa bao bì ngoài đồng ruộng, ký kết với Công ty CP Môi trường Nghi Sơn để thu gom, vận chuyển và xử lý định kỳ 6 tháng/lần. Trong công nghiệp, các cơ sở có phát sinh CTNH, yêu cầu chủ cơ sở phải có nhà kho lưu giữ, thiết bị lưu chứa CTNH và dán mã CTNH theo quy định. Còn đối với rác thải sinh hoạt, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ký hợp đồng với tổ thu gom, các đơn vị đủ chức năng, điều kiện để thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt về bãi chôn lấp tại xã Hoằng Đức. Khu xử lý rác thải bằng lò đốt xã Hoằng Trường, Hoằng Đức và lượng rác còn lại chuyển đi xử lý tại bãi rác Đông Nam. Tần suất thu gom rác thải trung bình 2 lần/tuần, riêng khu vực thị trấn 3 lần/tuần... Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân để sử dụng tại chỗ. Tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, hệ sinh thái. Ngoài ra, nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cũng tham gia chương trình sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như: Túi giấy, ống hút tre...
Thị trấn Bút Sơn là một trong những địa phương có lượng rác thải tương đối lớn của huyện Hoằng Hóa. Đặc biệt, mới đây sau khi sáp nhập 2 xã Hoằng Vinh, Hoằng Phúc vào thị trấn đã nâng tổng số dân cư lên tới 12 nghìn. Theo ước tính, lượng rác thải tại thị trấn khoảng 3 tấn/ngày trong đó lượng rác thải nhựa chiếm từ 8-12%. Để hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa, thị trấn đã ban hành kế hoạch về thực hiện công tác chỉnh trang cảnh quan và bảo vệ môi trường có xử lý, phân loại rác thải. Đến nay, toàn bộ các hộ trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện với hình thức rác thải sinh hoạt hàng ngày sẽ được chia làm 4 loại, trong đó rác thải rắn tái chế được sẽ thu gom lại để bán hoặc cho những người thu mua phế liệu. Bước đầu, các hộ dân cũng đã có ý thức chấp hành tương đối tốt. Để xử lý tình trạng rác thải nhựa, hội liên hiệp phụ nữ thị trấn cũng đã phát động phong trào “Nói không với túi nilon” và động viên, tuyên truyền các hội viên sử dụng làn nhựa để đi chợ. Hiện đã có 10/15 thôn, phố triển khai, thực hiện. Mới đây, Chi hội Phụ nữ thôn Đức Cương đã tặng 140 làn nhựa cho các hội viên, góp phần tích cực vào phong trào “Nói không với túi nilon” trên địa bàn thị trấn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: Dù đã có những chuyển biến trong xử lý rác thải nhựa nhưng Hoằng Hóa vẫn còn nhiều khó khăn đó là các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường trên địa bàn huyện chưa nhiều nên ảnh hưởng rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chống rác thải nhựa. Ngoài ra cơ cấu tổ chức và nguồn lực bảo vệ môi trường còn yếu, cụ thể là khả năng nắm bắt, đánh giá tổng thể của cán bộ chuyên môn tại các xã về môi trường địa phương còn hạn chế nên chưa tham mưu được giải pháp thực hiện hiệu quả.
Thời gian tới, huyện Hoằng Hóa sẽ chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 17-9-2019 về chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025. Trong đó: Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện kế hoạch của UBND huyện, chi tiết hóa thành nội dung, nhiệm vụ, khối lượng công việc như các điểm chỉnh trang cảnh quan, các khu vực trồng cây, trồng hoa, các tuyến đường phải san ủi, bù phụ, giải tỏa, những nơi đặt cụm tuyến tuyên truyền điểm, khu dân cư chỉnh trang và vệ sinh môi trường... Phân công giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, MTTQ, các đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, hạn chế rác thải nhựa nói riêng. Tích cực kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và phát triển các sản phẩm không có nguồn gốc từ nhựa nói riêng, nhằm giảm thiểu dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa.