Nhiều giải pháp giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy lâu dài trong đời sống xã hội, nhất là về chất lượng dân số. Trước thực trạng này, các cấp, các ngành trong tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tỷ lệ tảo hôn toàn tỉnh năm 2021 là 13%; năm 2022 là 9,5%; tuy nhiên quý I năm 2023 lại tăng lên 13,1%; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đó là, nhận thức về công tác dân số của nhân dân chưa cao, muốn gia đình có thêm lao động, dẫn đến cho con lập gia đình sớm. Hơn nữa, lứa tuổi thiếu niên được tiếp cận nhiều với mạng xã hội nên đã bị ảnh hưởng bởi mặt trái của xã hội.
Tảo hôn ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, nhất là với các em gái, do chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con, cháu. Do chưa có việc làm, sống phụ thuộc gia đình, không có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ… cuộc sống của vợ chồng “trẻ con” sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Hàng năm, Chi cục tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị lồng ghép triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 cùng với các hoạt động về dân số và phát triển trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động tuyên truyền can thiệp giảm thiểu tảo hôn tại 204 xã, phường, thị trấn và các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Bên cạnh đó, Chi cục còn phối hợp với các địa phương tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, lồng ghép trong các cuộc họp bản, sinh hoạt đoàn thể bản nội dung giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã vùng 3 và các bản đặc biệt khó khăn. Từ đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Đồng chí Vì A Sếnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Hằng năm, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã, chi bộ các bản lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, cuộc họp bản để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu thêm về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, của việc đẻ dày, đẻ nhiều… Nhờ đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn giảm dần, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã còn 8 cặp tảo hôn, không có cặp kết hôn cận huyết thống.
Cùng vào cuộc, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng đã chỉ đạo các trường học lồng ghép tuyên truyền nội dung giáo dục giới tính, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các môn học. Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế, tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các trường THPT, THCS, phổ thông dân tộc nội trú…về công tác dân số, trong đó có nội dung về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về tác hại lâu dài của việc lấy vợ, lấy chồng sớm… Trang bị cho các em những kiến thức cơ bản của công tác dân số và phát triển.
Thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Trong các năm học, nhà trường thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, với nội dung về giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo học sinh nhà trường tham gia. Các kiến thức được truyền tải tại hoạt động ngoại khóa đã giúp các em hiểu rõ hơn về hệ lụy tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống, mà cái hại trước mắt là phải bỏ học; cuộc sống khó khăn; những đứa trẻ sinh ra sẽ không khỏe mạnh… Nhiều năm qua, nhà trường không có trường hợp học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng.
Các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã, đang và tiếp tục tham gia tích cực, trách nhiệm trong việc giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm nâng cao chất lượng dân số, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.