Nhiều giải pháp giúp người từng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng

Công tác tái hòa nhập cộng đồng luôn được Bắc Kạn quan tâm, triển khai đồng bộ và hiệu quả. Kết quả này có được là nhờ các cấp, ngành cùng tham gia công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, đặc biệt là hỗ trợ họ được tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển kinh tế, tạo việc làm.

 Mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai tại 9/9 thôn của xã Vi Hương (Bạch Thông).

Mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai tại 9/9 thôn của xã Vi Hương (Bạch Thông).

Hơn 10 năm về trước, Vi Hương là “điểm nóng” về ma túy của huyện Bạch Thông. Lúc cao điểm, trong hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng có khoảng 100 người nghiện và vài chục đối tượng tàng trữ, buôn bán ma túy. Sau những đợt truy quét quyết liệt của lượng lực Công an, đa số đối tượng tàng trữ, buôn bán ma túy trên địa bàn sa lưới pháp luật, nhiều người nghiện cũng được đưa đi cai nghiện tập trung. Cùng với đó, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, những mô hình an ninh tự quản tại các thôn, bản được gây dựng tạo thành "phòng tuyến" ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Sau thời gian chấp hành án để trả giá cho việc làm phạm pháp của mình, nhiều người trở về quê hương thường mang tâm lý mặc cảm, cuộc sống kinh tế khó khăn, một số người chưa thật sự ăn năn hối cải, nếu bị lôi kéo dễ tái phạm. Nhận thấy mối nguy cơ này, Công an xã Vi Hương đã tham mưu xây dựng mô hình đặc thù với sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội và gia đình để hỗ trợ, động viên, giám sát, giúp những người chấp hành án phạt tù trở về địa phương hoàn lương.

Cuối năm 2017, anh L.V.H bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Do cải tạo tốt, 3 năm sau, anh H. được ra tù trước thời hạn. Những ngày đầu mới về quê, anh H. thấy cuộc sống của mình chông chênh, phần vì gia cảnh khó khăn, chưa tìm được việc làm, phần vì mặc cảm tội lỗi chưa dứt, một số kẻ xấu vẫn lôi kéo. Đôi lúc lằn ranh giữa cái xấu và cái tốt mong manh, nhưng rồi anh H. đã vượt qua bằng nghị lực bản thân và sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, cộng đồng.

“Cùng với biện pháp nghiệp vụ giám sát, răn đe thì việc gần gũi động viên, chia sẻ với những người mới chấp hành án xong cũng rất quan trọng. Lúc tại trụ sở làm việc, khi ở dưới thôn, hay gặp tại quán nước nào đó, chúng tôi đều tranh thủ hỏi han, nhẹ nhàng khuyên nhủ giúp họ cởi bỏ tâm lý mặc cảm, vượt qua cám dỗ để trở lại cuộc sống bình thường”, Thiếu tá Đỗ Huy Phú, Phó Trưởng công an xã Vi Hương cho biết.

Mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai tại 9/9 thôn của xã Vi Hương (Bạch Thông) từ năm 2020. Từ đó đến nay, mô hình đã giúp hơn 40 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tái phạm tội của nhóm những người chấp hành án phạt tù trở về địa phương tại Vi Hương luôn dưới 15%.

 Tuyên truyền về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2024-2028 tại xã Văn Vũ (Na Rì).

Tuyên truyền về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2024-2028 tại xã Văn Vũ (Na Rì).

Cùng với làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên thì việc tổ chức tư vấn, hỗ trợ các thủ tục vay vốn làm kinh tế đã giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng có động lực vươn lên.

Đầu năm 2024, sau khi chấp hành án trở về địa phương, anh HVC, phường Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) được cấp, ngành chức năng và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn 100 triệu đồng. Số tiền này anh C dùng để mở tiệm sửa xe máy. Có việc làm, thu nhập ổn định là điều kiện để anh C làm lại cuộc đời, hòa nhập với cộng đồng.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/6/2024 Công an tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã ký kết Chương trình phối hợp số 267/CTPH-CAT-CNNHCSXH thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 - 2028 trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình phối hợp gồm các nội dung: Phối hợp trong ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin; phối hợp trong kiểm tra, hướng dẫn; phối hợp trong thực hiện thông tin, tuyên truyền và các nội dung phối hợp nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm ổn định cuộc sống, vượt qua mặc cảm, tự ti, nỗ lực làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.

Qua hơn một năm thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phối hợp giữa Công an tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, đến nay, có 46 trường hợp là người chấp hành xong án phạt tù và gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền gần 4 tỷ đồng để làm ăn, kinh doanh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là những chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước với những người từng một thời lầm lỗi trở về với đời thường. Trong đó, việc tiếp sức, đồng hành của chính sách tín dụng không chỉ giúp họ có nguồn vốn đề đầu tư phát triển kinh tế mà còn là điểm tựa nâng đỡ niềm tin để những con người từng lầm lỡ vững bước hơn trong cuộc sống. Qua đó, góp phần giảm nghèo, phòng ngừa tái phạm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người chấp hành xong án phạt tù./.

HoàngThị Kiều Diễm (Công an tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhieu-giai-phap-giup-nguoi-tung-lam-lo-hoa-nhap-cong-dong-post66320.html