Nhiều giải pháp hạn chế người dân không xả rác

Đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác đối thoại, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera giám sát để xử lý vi phạm...

Chiều 23-8, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023 - 2025.

Báo cáo đề dẫn, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, thông tin một số kết quả đạt được qua gần 1 năm thực hiện cuộc vận động.

Thông tin từ hội nghị cho hay, từ năm 2021 đến tháng 5-2023, thành phố rà soát, ghi nhận 568 điểm ô nhiễm tồn đọng rác thải, đã giải tỏa 505 điểm.

Thông tin từ hội nghị cho hay, từ năm 2021 đến tháng 5-2023, thành phố rà soát, ghi nhận 568 điểm ô nhiễm tồn đọng rác thải, đã giải tỏa 505 điểm.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Phước, TP HCM có 312 phường, xã, thị trấn thì nay đã tổ chức 312 lần đối thoại (tỉ lệ 100%). Đồng thời tiếp nhận và giải quyết 99% ý kiến phản ánh của người dân liên quan lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị.

Từ năm 2021 đến tháng 5-2023, thành phố rà soát, ghi nhận 568 điểm ô nhiễm tồn đọng rác thải, đã giải tỏa 505 điểm (tỉ lệ hơn 98%). Trong đó chuyển hóa 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng là công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao

GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết 2 năm qua, trên địa bàn có 201 điểm rác phát sinh và tái phát sinh. Trong đó, đặc biệt là tình hình rác thải tại các khu đất trống trong các dự án chưa triển khai. Thời gian qua, UBND TP Thủ Đức thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường, hoàn thiện, đổi mới cơ sở hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, khu công viên, khu vui chơi giải trí công cộng và triển khai trồng nhiều cây xanh…

Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất tăng cường cán bộ, công chức có chức năng kiểm tra, giám sát và lập biên bản xử phạt; đồng thời có cơ chế, chính sách khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phát giác, tố giác những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, UBND TP HCM cũng cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác tại nguồn thành 3 loại theo quy định của Luật Môi trường năm 2020 thay vì hướng dẫn phân thành 2 loại như hiện nay.

Kết luận hội nghị, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết đã nhận được 35 bài tham luận là ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi về các mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" và công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Bà Trần Kim Yến đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm nghiên cứu, thực hiện đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác đối thoại, tuyên truyền và vận động nhân dân, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương, cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Song song đó, tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, triển khai sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi vi phạm...

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/nhieu-giai-phap-han-che-nguoi-dan-khong-xa-rac-20230823213148001.htm