Nhiều giải pháp hay nâng cao chất lượng báo Đảng địa phương

Trước những thách thức của kỷ nguyên số, sự cạnh tranh thông tin của các nền tảng xã hội, các đại biểu dự hội thảo 'Báo Đảng tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức' do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đăng cai tổ chức sáng ngày 8-8 đã có những chia sẻ quý báu để thu hút công chúng, đặc biệt là những nội dung liên quan đến lĩnh vực xây dựng Đảng về đạo đức.

Phóng viên BPTV đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của các đại biểu là nhà quản lý báo chí, các nhà báo giàu kinh nghiệm và các chuyên gia trình bày tại hội thảo.

Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Xây dựng Ðảng về đạo đức và sứ mệnh vẻ vang của báo chí hiện nay.

Trao đổi về nội dung báo chí với trách nhiệm xây dựng Đảng về đạo đức; những yêu cầu đối với báo chí và người làm báo xây dựng Đảng, Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Hiện nay, hệ thống báo chí nước ta có 798 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 671 tạp chí, 72 cơ quan phát thanh - truyền hình, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí… Tất cả hợp thành các binh chủng báo chí tư tưởng lý luận, gánh vác trọng trách người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể, lay động tới sinh mệnh mỗi cá nhân, ảnh hưởng tới từng bộ máy và lan tỏa rộng khắp toàn xã hội.

Hiện nay, bàn tay vô hình của nền kinh tế thị trường đã làm đảo lộn giá trị đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều đó được thể hiện qua việc thời gian gần đây đã có không ít cán bộ, đảng viên không giữ được mình mà trở nên suy thoái, biến chất. Đi cùng với đó, không ít cơ quan dưới mọi mánh lới ngăn cản công tác báo chí; thậm chí cả một số người dùng nhiều thủ đoạn hoặc là bóp nghẹt hoặc là mua chuộc báo chí…

Trước những khó khăn, thách thức đó, báo chí làm gì và làm thế nào để góp phần xây dựng Ðảng về đạo đức? Trả lời cho câu hỏi này, Nhà báo Nhị Lê lưu ý: Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cần tiếp tục phát huy tính tiên phong trong việc nghiên cứu toàn diện xây dựng Đảng về đạo đức, đồng thời cùng các tổ chức đảng xây dựng cơ chế thực hành đạo đức của đảng viên, cán bộ. Bên cạnh đó phải bám sát, cổ vũ, biểu dương và phê phán đảng viên, cán bộ của toàn hệ thống chính trị về đạo đức hành động và hành động đạo đức.

“Là người tổ chức tập thể, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi tờ báo, tạp chí chủ động làm sâu sắc hơn về đạo đức, theo chức năng của mình về cá nhân liêm, chính, làm sao cho mỗi đảng viên, cán bộ tự mình ngộ ra” - Tiến sĩ, nhà báo Nhị Lê chia sẻ.

Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng: Phân công, bố trí nhân sự phù hợp để có sản phẩm báo chí chất lượng.

Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng (SGGP) cho biết: Quán triệt những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, Báo SGGP luôn chú trọng tập trung tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói chung; xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Đơn vị luôn tích cực tham gia, tiên phong trong triển khai thực hiện các đề tài về đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những bài viết có tính chiến đấu, thuyết phục cao… góp phần phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi các âm mưu phá hoại, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo nhà báo Phạm Văn Trường, để có một sản phẩm báo chí tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, việc tìm ra được đề tài là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó còn phải có đội ngũ chuyên gia uy tín am hiểu lĩnh vực, vấn đề liên quan đến những đề tài được lựa chọn để triển khai. Điều đó đòi hỏi có sự phân công, bố trí nhân lực phù hợp và có đủ năng lực, kinh nghiệm cùng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Đây là điều rất quan trọng để ban biên tập nhận được sự tham mưu từ phòng, ban, bộ phận chuyên môn về đề tài cũng như việc triển khai thực hiện các đề tài đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, mong mỏi của bạn đọc trong tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức.

Nhà báo Nguyễn Quốc Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương: Xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên chuyên đề để tập trung thực hiện các mảng nội dung chuyên sâu.

Chia sẻ một số kinh nghiệm của đơn vị liên quan đến đề tàingăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhà báo Nguyễn Quốc Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương cho rằng: Để tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử, Báo Bình Dương duy trì tốt các chuyên đề ở cả 2 chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chủ đề đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các chuyên mục, bài viết phân tích chuyên sâu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, thành tựu trên các lĩnh vực; cùng với đó là các bài viết chuyên đề đấu tranh trực diện với những thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch…

Theo nhà báo Nguyễn Quốc Liêm, để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ các chuyên đề, bên cạnh các kênh tuyên truyền mang tính truyền thống như báo in, báo điện tử, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Bình Dương đã chỉ đạo các bộ phận liên quan xây dựng, quản lý và đẩy mạnh hoạt động các trang fanpage trên trang mạng xã hội. Trong đó, đơn vị đã cử thành viên tham gia thực hiện cùng các nhóm tương tác trên mạng xã hội của tỉnh để báo cáo vi phạm của các tài khoản phản động, tiêu cực... Đồng thời chủ trương làm loãng thông tin xấu, độc bằng xây dựng tuyến bài viết có thông tin tích cực hoặc trực diện phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Tăng cường chia sẻ, lan truyền những tấm gương sáng, mô hình hay, hiệu quả, các hoạt động nhân ái, nghĩa tình của các tổ chức, đoàn thể và người dân trong tỉnh. Báo Bình Dương cũng đã xây dựng chuyên mục truyền hình online “Tôi yêu Bình Dương” để tăng cường chuyển tải những giá trị truyền thống và hiện đại của tỉnh Bình Dương đến khán giả gần xa, trong và ngoài nước với ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

“Báo Bình Dương đã xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên chuyên đề gắn với lĩnh vực công tác để tập trung thực hiện các mảng nội dung chuyên sâu. Để lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giới công nhân lao động. Nhờ đó đã có những tác phẩm chất lượng, đạt giải cao tại các cuộc thi cấp Trung ương”, nhà báo Nguyễn Quốc Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương chia sẻ.

Nhà báo Bùi Thanh Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Thuận: Tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm.

Chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền các chủ điểm xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó có chủ điểm “Giữ trọn lời thề đảng viên”, nhà báo Bùi Thanh Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Thuận cho biết:Để công tác tuyên truyền đi vào trọng tâm, trọng điểm, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Báo Bình Thuận đã mở chuyên trang xây dựng Đảng trên báo in và báo điện tử để tập trung tuyên truyền việc triển khai tổ chức đồng loạt ở tất cả chi bộ trong đợt sinh hoạt chính trị này. Đồng thời tuyên truyền các cấp ủy, tổ chức Đảng, chi bộ tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức tọa đàm, diễn đàn, hội thảo về vai trò, vị trí, ý nghĩa của lời tuyên thệ trong quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; lời thề đảng viên và sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; Diễn đàn “Giữ trọn lời thề đảng viên”, “Học gương tự tu, gặp người tự sửa, rèn mình tự soi”, “Lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân”…

“Từ thông điệp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đó là kiểm điểm phải quán triệt tinh thần mỗi đảng viên bám vào nội dung đã tuyên thệ, đã hứa phải tự mình rà soát báo cáo, tránh việc sao chép lẫn nhau, không nên rập khuôn theo bố cục như bản kiểm điểm cuối năm. Báo Bình Thuận đã tập trung tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên khơi dậy ý thức tự soi, tự sửa, tự kiểm điểm, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Từ đó đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy những ưu điểm, góp phần xây dựng tập thể cấp ủy vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, nhà báo Bùi Thanh Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Bình Thuận bày tỏ.

Xuân Túc - Trương Hiện - Như Nam

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161121/nhieu-giai-phap-hay-nang-cao-chat-luong-bao-dang-dia-phuong