Nhiều giải pháp hỗ trợ các DNNVV vượt khó để phát triển

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp đồng bộ giúp cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn… Qua đó đã giúp các doanh nghiệp nhất là các DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, số hóa để phát triển sản xuất kinh doanh.

Một sự kiện kết nối do Trung tâm tổ chức. Ảnh: Khắc Kiên

Một sự kiện kết nối do Trung tâm tổ chức. Ảnh: Khắc Kiên

Cầu nối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) Ngô Minh Toàn cho biết, với chức năng nhiệm vụ được giao, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức 357 khóa quản trị doanh nghiệp, 259 khóa khởi sự doanh nghiệp với tổng số 30.800 học viên tham gia; 18 khóa với 450 học viên tham gia khóa đào tạo CEO; Tư vấn hỗ trợ thông tin pháp lý miễn phí cho hơn 200.000 lượt doanh nghiệp; Tư vấn miễn phí về thủ tục đầu tư cho gần 50.000 lượt doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài...

Đặc biệt, Dự án "Vườn ươm Doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội (HBI)" - một hợp phần thuộc Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và UBND TP Hà Nội giao Trung tâm quản lý và vận hành đã có tác động tốt đến quá trình phát triển khu vực tư nhân, công cụ tốt để xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm.

Hoạt động của HBI đã đạt một số kết quả khi tuyển chọn và ươm tạo cho 37 doanh nghiệp (trong đó một số doanh nghiệp đã và đang hoạt động thành công trên thị trường như: Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh, Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Đại An; Công ty TNHH Dinh Dưỡng Nutricare…). Tạo thêm 700 việc làm; Tổ chức 92 khóa đào tạo chuyển giao kiến thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm; Hơn 2.000 học viên thuộc 200 doanh nghiệp trong và ngoài vườn ươm đã được ươm tạo; 10 xưởng sản xuất, 2 kho và các diện tích làm thêm được doanh nghiệp thuê sử dụng; 3 xưởng thực nghiệm chế biến các sản phẩm từ thịt, sữa và rau quả được thuê sử dụng…

Đến giai đoạn 2016 - 2023, Trung tâm tiếp tục được giao hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số như: Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020"; Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025; Đề án "Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025"; Đề án HBI giai đoạn 2021 - 2025"; Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025”…

Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện các doanh nghiệp đều cho rằng, ngoài nỗ lực tự thân với chiến lược kinh doanh hợp lý, khi chọn HBI để khởi nghiệp và ra thương trường được hưởng rất nhiều ưu đãi và quyền lợi. Bởi, HBI cung cấp điều kiện hạ tầng, doanh nghiệp chỉ mất chi phí sửa sang nhà xưởng và thuê thiết bị, dồn nguồn lực, áp dụng công nghệ nhanh chóng thực hiện kế hoạch đề ra. Vì vậy, vấn đề rủi ro về tài chính đầu tư sẽ rất nhỏ…

Trong dây chuyền sản xuất của Nutricare. Ảnh: Khắc Kiên

Trong dây chuyền sản xuất của Nutricare. Ảnh: Khắc Kiên

Là doanh nghiệp khá thành công trên thương trường với các loại sản phẩm dinh dưỡng, đại diện Công ty TNHH Nutricare đánh giá, thời điểm đó và đến bây giờ, Hà Nội đã phát huy vai trò “bà đỡ” qua HBI trong khởi nghiệp. Lớn nhất là được tham gia vào các khóa học về kinh doanh sản phẩm, tư vấn chất lượng, chọn dây chuyền sản xuất… để định hướng hoạt động và thành công.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn cho biết, ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra, đơn vị đã triển khai xây dựng và vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp TP Hà Nội (https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn) nhằm kết nối, cung cấp các thông tin, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tích hợp các chương trình, chính sách, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mạng lưới tư vấn viên, tiếp nhận và phản hồi ý kiến... đã phát huy hiệu quả.

Cùng đó, chủ trì biên soạn và phát hành Sách trắng Doanh nghiệp Hà Nội năm 2021, 2022 làm cơ sở dữ liệu để tham mưu xây dựng chính sách về phát triển doanh nghiệp. Qua đó, phục vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước.

Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, hội, hiệp hội… định kỳ 6 tháng/lần tổ chức các hội nghị, hội thảo đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, tổng hợp báo cáo Thành phố để góp phần cải thiện chỉ số PCI của Hà Nội.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển, đồng hành cùng doanh nghiệp theo các Đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thành lập mới (hỗ trợ 1 chữ ký số/doanh nghiệp thành lập mới trong 1 năm; cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn; Kê khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội, sổ sách kế toán, tư vấn những vấn đề liên quan đến quy định về kế toán, thuế, lao động trong vòng 6 tháng kể từ ngày thành lập (đối với những doanh nghiệp thành lập mới có nhu cầu)…

Hiện thực hóa "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ, ông Ngô Minh Toàn thông tin, đầu tháng 2/2023, Hà Nội đã khai trương hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố.

Ứng dụng này sẽ tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh.

“Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền Thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô’ – vị này khẳng định.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-giai-phap-ho-tro-cac-dnnvv-vuot-kho-de-phat-trien.html