Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc do COVID-19
Dịch bệnh kéo dài, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người lao động, đặc biệt là người lao động ở các tỉnh lên thành phố làm ăn, mưu sinh.
Dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phá sản dẫn đến tình trạng hàng ngàn công nhân bị mất việc.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ, góp sức cho người lao động bị mất việc.
“Bấm bụng" cho công nhân nghỉ việc
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9/2020 đã có hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên và đã có hơn 118.000 người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Số người lao động mất việc làm tập trung ở các ngành nghề giày da, du lịch, khách sạn, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, vận tải kho bãi và lao động ngành bán buôn, bán lẻ...
Với hơn 62.000 công nhân lao động, Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu và nguyên phụ liệu cung ứng cho ngành giày có trụ sở ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) gặp không ít khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát.
Do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị tạm hoãn nên Công ty buộc phải cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pung Kook (Khu chế xuất Tân Thuận) đã giải thể và chấm dứt hợp đồng gần 1.000 công nhân; Công ty trách nhiệm hữu hạn Yesum Vina (Khu chế xuất Kinh Trung 1) cũng đã thông báo ngừng sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với gần 600 công nhân vào đầu tháng 5/2020...
Như "giọt nước tràn ly" sau nhiều tháng nỗ lực, cố gắng tạo việc làm cho công nhân, Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong (có trụ sở tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chính thức cắt giảm hơn 2.220 lao động ngay sau thời điểm kết thúc giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.
Doanh nghiệp này cũng đã ngừng hợp đồng đợt 2 ngay sau đó với 224 lao động và mới đây là đợt cắt giảm thứ 3 với 1.570 lao động cũng bởi các khách hàng chính của công ty ở châu Âu và Mỹ bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, đơn đặt hàng trong năm tiếp tục bị tạm dừng hoặc hủy rất nhiều.
Ông Huỳnh Khởi Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong, cho biết việc cắt giảm lao động là ngoài mong muốn dù Công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục, nhưng không đủ khả năng tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hay bố trí việc làm cho người lao động.
Như vậy, sau hơn 6 tháng gồng gánh, chống chọi trước những tác động của dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong đã ngưng hợp đồng với hơn 4.000 lao động, thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Cùng với các đơn vị trực tiếp sản xuất, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực ngành nghề như du lịch, giao thông vận tải... cũng gặp nhiều khó khăn, nên buộc phải cắt giảm nhân sự, cho người lao động nghỉ việc.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 8 đã có khoảng 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động, đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động ngừng việc, mất việc làm...
Mới đây, tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các quận, huyện và triển khai các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh dịch bệnh diễn biến khó lường nên việc phục hồi kinh tế của Thành phố đang đứng trước giai đoạn nhiều khó khăn.
Trước mắt phải giảm thiểu tối đa doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phá sản bởi tình trạng này sẽ dẫn đến người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội.
Chung tay chăm lo người lao động mất việc
Dịch bệnh càng lan rộng, doanh nghiệp càng khó khăn, nhất là những doanh nghiệp có liên quan đến nguồn nguyện liệu, thành phẩm tham gia thị trường xuất-nhập khẩu.
Dịch bệnh kéo dài, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người lao động, đặc biệt là người lao động ở các tỉnh lên thành phố làm ăn, mưu sinh.
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố, ban đầu, khi cắt giảm lao động được nhiều doanh nghiệp chọn ưu tiên giữ lại những công nhân xa quê, có hoàn cảnh khó; nữ công nhân lao động đang mang thai; người lao động thâm niên, có tay nghề cao...
Tuy nhiên, áp lực "bài toán" chi phí lớn nhưng việc làm ngày càng giảm đưa doanh nghiệp vào hoàn cảnh ngày càng khó khăn hơn nên buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm, ngưng việc với cả nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, kể cả nữ lao động đang mang thai, sắp sinh.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở theo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp; chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động sau khi nghỉ việc.
“Điều quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn là đề xuất, tìm giải pháp tốt nhất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động, nhất là trong thời điểm dịch bệnh,” ông Trần Đoàn Trung nhấn mạnh.
Từ việc chủ động, phối hợp tốt giữa các đơn vị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam đã chi hơn 260 tỷ đồng để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc. Trong đó, người lao động nhận được số tiền ít nhất từ 40-60 triệu đồng/người; số tiền trợ cấp cao nhất mà công nhân nhận được là 320 triệu đồng/người (tùy theo thâm niên và công việc được giao).
Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong cũng đã thực hiện phương án chi trả lương, thưởng và các chế độ theo quy định pháp luật đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng.
Đồng hành cùng người lao động bị mất việc, Công đoàn Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, trao tặng quà, hỗ trợ kinh phí, vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho thuê, nhất là các trường hợp nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho những trường hợp dự sinh trong thời gian từ tháng 9, 10, 11/2020...
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, cho biết khi chấm dứt hợp đồng, tất cả các chế độ như bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế, Công ty sẽ ngưng toàn bộ đối với công nhân, người lao động.
Vì thế, trước mắt, Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp trích từ nguồn kinh phí chương trình chăm lo cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của Liên đoàn để giúp các bà mẹ yên tâm sinh con; đồng thời tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các thủ tục cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động ngừng việc, nhất là những trường hợp phụ nữ chuẩn bị sinh con.
Để tăng cường chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, chính quyền địa phương cùng các cấp công đoàn, ngành lao động-thương binh và Xã hội thành phố đã cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tương tự, phù hợp với tay nghề để công nhân tìm việc làm mới; Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố hỗ trợ người lao động đào tạo lại; giới thiệu việc làm cho công nhân có nhu cầu sau khi ngừng việc; đồng thời tổ chức nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà, tiền mặt, trao học bổng cho con em công nhân, hướng dẫn công nhân thai sản đề nghị công đoàn cấp trên trích kinh phí mua bảo hiểm y tế để an tâm sinh con...
Tổ chức tài chính vi mô (CEP) triển khai chương trình “CEP chia sẻ yêu thương" đồng hành cùng công nhân, lao động vượt khó trong dịch COVID-19 với kinh phí hàng tỷ đồng...
Bảo hiểm xã hội thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, huyện, doanh nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Riêng những trường hợp nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ có hoàn cảnh quá khó khăn, Bảo hiểm xã hội tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho chị em công nhân.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các đơn vị trực thuộc đã và đang tích cực giám sát, thực hiện các chính sách, hỗ trợ người lao động bị mất việc.
Các sàn giao dịch việc làm tăng cường hoạt động trực tiếp, trực tuyến thường xuyên để kết nối, nhanh chóng giới thiệu việc làm mới, không để người lao động bị gián đoạn về việc làm, hẫng hụt về đời sống.
“Cơ hội có việc làm mới với người lao động cũng có rất nhiều, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm về những cơ hội việc làm nếu có chuyên môn phù hợp. Ngành lao động-thương binh và xã hội cùng với các sở, ngành sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ người lao động sớm ổn định công ăn việc làm, ổn định đời sống,” ông Lê Minh Tấn khẳng định./.