Nhiều giải pháp khôi phục nuôi trồng thủy sản

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, cuốn trôi. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nước lũ còn làm các ao nuôi bị hư hỏng, bồi lấp. Để đảm bảo các điều kiện cho việc khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp, các địa phương cùng với người dân đang khẩn trương xử lý môi trường vùng nuôi, tu bổ lại diện tích ao hồ bị thiệt hại để tiếp tục bước vào vụ nuôi mới.

 Thu dọn máy móc, trang thiết bị nuôi tôm bị hư hỏng để sửa chữa chuẩn bị cho vụ nuôi mới - Ảnh: L.A

Thu dọn máy móc, trang thiết bị nuôi tôm bị hư hỏng để sửa chữa chuẩn bị cho vụ nuôi mới - Ảnh: L.A

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua, đặc biệt là nuôi thủy sản. Toàn bộ diện tích nuôi tôm của xã hơn 182 ha bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, trong đó có nhiều diện tích đang chuẩn bị thu hoạch; ước thiệt hại hơn 70 tỉ đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng, nguyên nhân người nuôi tôm trên địa bàn xã thiệt hại nặng là do ảnh hưởng của COVID-19 làm tôm nuôi chính vụ có giá bán thấp nên người nuôi tôm dồn toàn lực vào nuôi vụ trái với hy vọng có thể đạt lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, do nước lũ về quá nhanh, hầu hết các ao nuôi tôm đều bị ngập nước từ 0,5 - 1 m; nhiều hộ dân mặc dù đã chủ động chuẩn bị phòng chống trước nhưng nước lên nhanh nên vẫn không kịp trở tay, đành bỏ lại. Ông Dũng cho biết, để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay sau khi nước rút, cùng với việc thống kê thiệt hại, UBND xã đã huy động các tổ chức đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường; hướng dẫn người dân tổ chức thu gom tôm, cá còn sót lại; đồng thời tiến hành xử lý môi trường bằng vôi bột, hóa chất diệt khuẩn; cải tạo, tu sửa lại ao hồ kỹ càng trước khi thả nuôi lại.

Còn tại vùng nuôi tôm tập trung xã Trung Hải, huyện Gio Linh, thời điểm này các hộ nuôi tôm đang tập trung khắc phục hạ tầng, tu sửa lại ao hồ, máy móc. Ông Lê Văn Thiện, Tổ trưởng Tổ nuôi tôm cộng đồng thôn Xuân Long cho biết, sau 4 trận lũ liên tiếp, ao nuôi của các thành viên trong tổ đều bị ngập sâu, tôm nuôi mất trắng. Riêng gia đình ông, vụ này đầu tư lớn với hơn 20 vạn con tôm giống thả trên 2 ao nuôi thì tất cả đều trôi theo dòng nước lũ, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Để có thể tiếp tục sản xuất, ông và các thành viên trong tổ hiện đang tập trung nạo vét ao hồ, sửa sang lại máy móc, trang thiết bị nuôi tôm; xử lý môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo điều kiện cho vụ nuôi tới.

Theo Chủ tịch UBND xã Trung Hải Lê Văn Sơn, nước lũ không chỉ cuốn trôi tôm, cá nuôi mà còn làm các ao nuôi tôm nằm ven sông Bến Hải của người dân bị đất cát vùi lấp, phá vỡ đê bao. Các loại máy móc phục vụ nuôi tôm như guồng quạt nước, máy sục khí, mô tơ điện… bị cuốn trôi, ngập nước hư hỏng. Do vậy, bên cạnh việc thống kê thiệt hại và đề xuất các chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, UBND xã đang động viên các hộ nuôi tiến hành sửa chữa máy móc, trang thiết bị nuôi tôm; tu sửa đê bao, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi; vệ sinh xử lý môi trường ao nuôi sau mưa lũ theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. “Khó khăn nhất của người nuôi tôm hiện nay là ao nuôi bị đất cát, rác thải trôi theo nước lũ vào trong đáy ao quá nhiều, bình quân từ 0,5 - 1 m. Để nạo vét tốn rất nhiều công sức. Do vậy, để phục hồi sản xuất rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc sửa chữa lại ao hồ, con giống, cũng như các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để người dân có điều kiện tiếp tục sản xuất”, ông Sơn đề xuất.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Lê Văn Toàn thông tin, chỉ tính riêng nuôi trồng thủy sản, toàn huyện Gio Linh đã có hơn 235 ha diện tích nuôi cá và 140,5 ha diện tích nuôi tôm bị ngập hoàn toàn. Nhiều vùng nuôi tôm lớn ở các xã Trung Hải, Gio Mai… nước lũ đã làm ngập sâu, cuốn trôi thủy sản nuôi; làm hư hỏng các trang thiết bị, ao nuôi bị phù sa bồi lấp. Để hỗ trợ người dân, ngay sau khi nước rút, huyện Gio Linh đã phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường nước đối với những diện tích còn lại; sửa chữa, củng cố lại bờ ao, hệ thống tiêu, cấp nước vùng nuôi; động viên người dân cải tạo lại ao nuôi để tiếp tục thả giống theo đúng mùa vụ đã được hướng dẫn. Đồng thời, kiến nghị các ngân hàng có cơ chế giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho những hộ bị thiệt hại; đề xuất lên cấp trên các chính sách hỗ trợ, trước mắt là hỗ trợ 122 triệu con giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú, 2,4 triệu con cá giống như cá trắm, cá mè, cá chép… và 36,6 tấn hóa chất xử lý môi trường ao nuôi để giúp người dân yên tâm khôi phục sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho hay, trong các đợt mưa lũ vừa qua, thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản là hết sức nặng nề. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có hơn 1.800 ha nuôi trồng thủy sản các loại bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó diện tích nuôi cá là 1.117 ha, nuôi tôm là 92 ha; ; tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, TP. Đông Hà…

Theo ông Nam, mưa lũ không chỉ làm nhiều vùng nuôi thủy sản lớn của tỉnh đã bị “xóa sổ” hoàn toàn mà sau lũ lụt, môi trường ao nuôi bị xáo trộn còn làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Do đó, để hỗ trợ người nuôi thủy sản, ngay sau khi nước rút, Chi cục Thủy sản đã phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp về các địa phương nắm tình hình, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để khôi phục thủy sản sau mưa lũ như xử lý môi trường nước, bổ sung vitamin C, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng, quản lý dịch bệnh… đối với những diện tích còn lại. Với những diện tích bị ngập toàn bộ, động viên người nuôi tiến hành sửa chữa, củng cố đê bao, hệ thống kênh cấp, thoát nước; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng, cải tạo ao nuôi trước khi tiến hành sản xuất trở lại. Đồng thời, hướng dẫn thu gom, xử lý môi trường theo đúng quy trình, tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải ra môi trường để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm kê khai đúng đối tượng để có cơ sở đề xuất hỗ trợ theo quy định.

Cũng theo ông Nam, đến nay tại các địa phương có diện tích bị thiệt hại nặng, người dân đã bắt đầu cải tạo, sửa chữa lại đê bao, thiết bị máy móc nuôi tôm bị hư hỏng, vệ sinh môi trường ao nuôi để sẵn sàng bước vào vụ nuôi mới. Để kịp thời triển khai công tác tiêu độc, khử trùng vùng bị ngập lụt, ngăn chặn và hạn chế sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân bổ 50 tấn hóa chất Chlorinemin 65% về các địa phương để tiến hành xử lý môi trường nuôi thủy sản sau các đợt mưa lũ vừa qua. Số hóa chất này được phân bổ cho huyện Vĩnh Linh 20 tấn, Triệu Phong 15 tấn, Gio Linh 10 tấn và TP. Đông Hà 5 tấn.

Sau khi tiếp nhận, các địa phương sẽ tổ chức cấp phát cho các hộ nuôi trồng thủy sản nhằm phục vụ việc tiêu độc khử trùng, xử lý nguồn nước, ao nuôi, phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn cho việc thả giống đợt mới khi các yếu tố môi trường trong ao nuôi ổn định. “Người nuôi chỉ nên thực hiện thả nuôi trở lại khi ao hồ đã được chuẩn bị kỹ và cải tạo tốt, các yếu tố môi trường trong ao nuôi thích hợp. Liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống uy tín để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, tránh nóng vội nuôi sớm khi ao hồ chưa được chuẩn bị kỹ và nguồn giống còn khan hiếm dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất”, ông Nam lưu ý thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153198