Nhiều giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) luôn là vấn đề được quan tâm và là thách thức của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để duy trì mức cân bằng GTKS, những năm qua, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dù sinh 2 con đều là gái nhưng vợ chồng anh Phạm Anh Tuấn - Nguyễn Lan Hương thấy rất hạnh phúc

Dù sinh 2 con đều là gái nhưng vợ chồng anh Phạm Anh Tuấn - Nguyễn Lan Hương thấy rất hạnh phúc

Thúc đẩy bình đẳng giới

Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), cho biết tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên. Các hoạt động được triển khai thông qua tuyên truyền vận động trong nhân dân và kiểm tra, giám sát các phòng khám dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tư nhân có liên quan đến siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, ấn phẩm có nội dung tuyên truyền về lựa chọn GTKS.

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em gái, những giải pháp quan trọng hàng đầu được ngành DS-KHHGĐ tỉnh đề xuất thực hiện đó là vận động, tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu của người dân, các cặp vợ chồng trẻ về bất bình đẳng giới tính, về sinh con trai và con gái; tập trung tuyên truyền các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không lựa chọn giới tính khi mang thai, tác hại của việc lựa chọn giới tính và khuyến khích thực hiện quy mô gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt. Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm cho rằng bên cạnh đó cần đẩy mạnh và duy trì các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương; sự ủng hộ và tham gia của tổ chức, người có uy tín ở cộng đồng nhằm làm giảm tình trạng mất cân bằng GTKS.

Nỗ lực duy trì cân bằng GTKS

Dù sinh 2 con đều là gái và vẫn còn rất trẻ nhưng vợ chồng anh Phạm Anh Tuấn - Nguyễn Lan Hương ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, khẳng định chắc chắn sẽ không sinh thêm nữa để tập trung chăm lo, nuôi dạy 2 con cho tốt. Là con trai một trong gia đình nhưng anh Tuấn có tư tưởng rất thoáng, không xem trọng việc phải sinh con trai. “Con gái mà hiếu thảo thì vẫn làm được những việc của con trai, còn con trai mà không hiếu thảo thì cũng chịu thua. Dù sinh cả 2 con đều là gái nhưng mình rất hạnh phúc vì con cái là món quà giá trị nhất mà các bậc ba mẹ có được”, anh Tuấn chia sẻ.

Xã hội hiện đại ngày nay, các cặp vợ chồng có tư tưởng thoáng như vợ chồng anh Tuấn - chị Hương rất nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những gia đình có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Theo bác sĩ Thấm, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục “trọng nam, khinh nữ”. Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng GTKS. Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nhiều người sẵn sàng nạo phá thai khi biết đứa bé trong bụng không phải là con trai. Hơn nữa, do chính sách dân số, quy mô gia đình nhỏ cũng tạo áp lực giảm sinh. Điều này dường như xung đột với giá trị văn hóa truyền thống là phải có con trai bằng mọi giá. Chính sự xung đột này đã tạo áp lực đối với các cặp vợ chồng: vừa mong muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Đây là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.

Hiện nay, mất cân bằng GTKS đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bởi tình trạng này dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng giới cũng như nhiều hệ lụy khác trong xã hội. Theo bác sĩ Thấm, mất cân bằng GTKS sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, nhóm nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc tìm vợ hoặc không thể lấy được vợ, phải duy trì cuộc sống độc thân, có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu tình dục của họ không được đáp ứng. Mất cân bằng giới tính còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới; phụ nữ có thể phải kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao một cách đáng kể...

Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng GTKS, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tình trạng mất cân bằng GTKS. Trong đó, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới, như công tác truyền thông vận động đến thực thi pháp luật và nâng cao vị thế, vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội. Các biện pháp khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS được tăng cường, thông qua việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng GTKS tại các hội nghị chuyên đề của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đưa nội dung về chính sách dân số, bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình trạng mất cân bằng GTKS, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng; đặc biệt quan tâm đến nhóm nam, nữ, người lao động trong các các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, nội dung này cũng được đưa vào trường học, thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề về giới; thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về dân số và xử lý nghiêm hành vi vi phạm…

Với nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện, tỷ số GTKS (số bé trai/100 bé gái) của tỉnh trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức ổn định, từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái. Cụ thể, năm 2016 là 104 bé trai/100 bé gái, năm 2020 là 106,4 bé trai/100 bé gái. Đến thời điểm hiện nay, Bình Dương vẫn nằm trong mức 103 - 107 bé trai/100 bé gái và chưa có tình trạng mất cân bằng GTKS xảy ra.

HỒNG THUẬN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nhieu-giai-phap-kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-a257835.html