Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số
Nhân ngày Dân số thế giới 11/7, phóng viên Báo Lào Cai có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về những giải pháp nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.
Nhân ngày Dân số thế giới (11/7)
Phóng viên: Xin ông đánh giá về chất lượng dân số tỉnh Lào Cai?
Ông Đỗ Sỹ Hùng: Để đánh giá được chất lượng dân số của tỉnh hiện nay so với cả nước, phải nhìn vào các chỉ số cơ bản, gồm dân số trung bình, tuổi thọ trung bình, số con trung bình của một phụ nữ, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, người cao tuổi được quản lý, khám sức khỏe định kỳ…
Qua so sánh cho thấy, mức sinh của toàn tỉnh đã giảm mạnh, tiệm cận với mức sinh thay thế (đó là tỷ lệ tăng tự nhiên 1,2%; số con trung bình là 2,1 con) song vẫn cao so với trung bình toàn quốc; mất cân bằng giới tính khi sinh 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuổi thọ trung bình của người Lào Cai thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình cả nước khoảng 3 - 4 năm. Các hoạt động, chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số, như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; phòng, chống các bệnh phổ biến, nguy hiểm... được triển khai đạt kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Vậy, thách thức lớn nhất đối với công tác dân số của tỉnh là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Sỹ Hùng: Thách thức lớn của công tác dân số tỉnh Lào Cai đó là mức sinh đã giảm, song chưa bền vững, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn (còn 5/9 huyện có tỷ suất sinh thô trên 20%o là: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai). Tình trạng tảo hôn, sinh con trước tuổi theo quy định của pháp luật còn tương đối phổ biến, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai các hoạt động trong chương trình mục tiêu y tế - dân số, như chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ); phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; tiêm chủng mở rộng... xuống đến cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là tại các xã vùng cao do địa bàn hiểm trở, kinh phí hoạt động chưa đảm bảo, đội ngũ cán bộ dân số hạn chế về năng lực, chưa nhiệt tình với công việc...
Phóng viên: Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, tỉnh sẽ phải làm gì?
Ông Đỗ Sỹ Hùng: Nghị quyết 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết 137 ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ “Về công tác dân số trong tình hình mới” là bước ngoặt quan trọng, “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số, trong đó nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.
Thực hiện tốt chiến lược, chính sách, pháp luật về dân số trong tình hình mới gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; nâng cao hiệu lực pháp lý trong quản lý và tổ chức thực hiện, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người dân, triển khai toàn diện các nội dung của công tác dân số; kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành về dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số một cách toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân; tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ngoài công lập; đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng, thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng.
Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, tổ dân phố...
Chủ động, tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số; tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các chương trình, dự án dân số và phát triển nhằm tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Nam (thực hiện)