Nhiều giải pháp nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh

Chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh là công cụ chính sách hữu ích, bổ trợ cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chủ trương của tỉnh là phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, hướng đến phát triển bền vững. Với quan điểm: 'Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế', công tác thu hút đầu tư những năm gần đây được tỉnh chọn lọc, đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, khu, cụm công nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được thiết kế đồng bộ, đảm bảo quy chuẩn về BVMT.Ảnh: Nguyễn Lượng

Hạ tầng kỹ thuật KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được thiết kế đồng bộ, đảm bảo quy chuẩn về BVMT.Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm 2022, Vĩnh Phúc vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành phố trên cả nước có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022; trong đó, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố có chỉ số PGI cao nhất do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của hệ thống chính trị, là động lực thúc đẩy tỉnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH gắn với bảo vệ môi trường (BVMT).

Hiện nay, tỉnh đã được quy hoạch 19 KCN, trong đó 16 KCN đã thành lập và có Quyết định chủ trương đầu tư, có 9 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.093 ha.

Các KCN đi vào hoạt động đảm bảo đầy đủ hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy định gồm: Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT khác.

Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật BVMT được thiết kế đồng bộ, diện tích cây xanh trong các KCN cơ bản đảm bảo theo quy định, đạt 194 ha, chiếm gần 9% tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN đã thành lập bộ phận chuyên trách BVMT, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp (DN).

Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh luôn nhất quán với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Quan điểm này được khẳng định tại Quyết định số 2906 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án hạn chế thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Lũy kế đến hết quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.274 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó, có 449 dự án FDI từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 7,7 tỷ USD và 825 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 121 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các phương án BVMT, gắn với phát triển KT - XH, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới.

Mặt khác, để nâng cao chỉ số PGI, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, DN về bảo vệ môi trường.

Nguồn ngân sách sự nghiệp dành cho công tác BVMT được tỉnh phân bổ hằng năm đều đạt hơn 1,5% tổng chi ngân sách thường xuyên; bên cạnh đó, vốn đầu tư cho các dự án BVMT được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau, lồng ghép trong các dự án phát triển KT - XH, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, làng văn hóa kiểu mẫu…

Hiên nay, tỉnh đã ban hành các quy định về bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường như: Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; quy trình ứng phó sự cố và tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn nước và mất an toàn cấp nước trên địa bàn tỉnh…

Toàn tỉnh hiện có 2 nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) và xã Tam Hồng (Yên Lạc) với tổng công suất thiết kế xử lý 195 tấn/ngày đêm; tỉnh đang trong quá trình đầu tư dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên với công suất 11.000m3/ngày đêm; xây dựng công trình xử lý nước thải cho các thị trấn, khu dân cư tập trung nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước mặt, thuộc lưu vực sông Phan và sông Cà Lồ; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Lập Thạch với công suất thiết kế 270 tấn/ngày đêm…

Đến nay, 95% lượng rác thải đô thị và gần 80% lượng rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được thu gom xử lý, 100% rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại từ hoạt động sản xuất được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Để duy trì và nâng cao chỉ số PGI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai 5 nhóm giải pháp chính gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của người dân, DN về BVMT.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về BVMT, khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, tổ chức trong và ngoài nước trong công tác đào tạo, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực BVMT.

Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các DN hoạt động trong lĩnh vực BVMT, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94886//nhieu-giai-phap-nang-cao-chi-so-xanh-cap-tinh