Nhiều giải pháp nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Chuẩn bị đầy đủ điều kiện, đặc biệt về kiến thức, tâm thế cho HS là giải pháp các nhà trường triển khai trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Giờ học tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long).

Giờ học tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long).

Phát huy hiệu quả đề tham khảo

Ngay từ đầu năm học, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) đã cho học sinh đăng ký tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT. Kết quả, số tổ hợp chọn môn thi của nhà trường là 26/36 tổ hợp.

Dựa trên đăng ký môn thi của các lớp, nhà trường tiến hành phân công chuyên môn đầu năm theo nguyên tắc: lớp nào có học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT nhiều sẽ phân công giáo viên bộ môn dạy lớp đó đến thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tận dụng hiệu quả đề tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố là một giải pháp quan trọng được nhà trường triển khai nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, ôn tập trường Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy cho biết, nhà trường đã họp tổ chuyên môn, phân tích, thảo luận đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; trong đó, chú ý xây dựng được ma trận từ đề thi, phân tích điểm khác nhau giữa đề thi tham khảo năm 2025 với đề thi chính thức năm 2024 để định hướng ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Linh hoạt, vận dụng cấu trúc đề thi tham khảo năm 2025 vào quá trình kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trên lớp, trong các hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ. Chỉ đạo các tổ bộ môn biên soạn các đề thi tham khảo (có ma trận, hướng dẫn chấm) bám sát cấu trúc, ma trận đề thi tham khảo làm nguồn tư liệu chung cho trường.

Giáo viên bộ môn của nhà trường được yêu cầu hướng dẫn học sinh giải đề tham khảo, lồng ghép vào các bài dạy trên lớp (bài dạy nào có câu hỏi trong đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2025 thì hướng dẫn cho học sinh giải để đánh giá mức độ và rút kinh nghiệm).

Tổ chuyên môn nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi bám sát cấu trúc đề thi tham khảo; đồng thời tham khảo thêm các nguồn tài liệu tin cậy khác.

“Nhà trường đã xây dựng đề cương ôn tập chung cho khối 12 theo định hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2025; tổ chức ra đề kiểm tra định kỳ theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp, tập trung ra đề có những câu hỏi ứng dụng trong thực tế, thí nghiệm thực hành…”, thầy Trần Quang Huy chia sẻ.

Xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, có định hướng dài hạn

Thầy Nguyễn Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh, TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết:Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có đến 36 tổ hợp môn thi. Điều này tăng sự lựa chọn cho học sinh, nhưng cũng gây khó khăn trong việc sắp xếp và tổ chức giảng dạy, ôn tập tại trường; nhất là việc tư vấn, hỗ trợ học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp.

Chuẩn bị triển khai kế hoạch khảo sát tổ hợp môn mà học sinh đăng ký dự thi, Trường THPT Hương Vinh đã tiến hành phân tích, đánh giá kỹ kết quả học tập cuối năm lớp 11 của học sinh. Sau khi thu thập kết quả khảo sát là tiến hành rà soát, cân nhắc để tư vấn, định hướng thêm cho học sinh trong lựa chọn môn thi; lưu ý thêm việc đối sánh kết quả kiểm tra giữa, cuối học kỳ 1 lớp 12 so với kết quả cuối năm lớp 11.

Chia sẻ giải pháp nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thầy Nguyễn Ngọc HIền thông tin, nhà trường đã bố trí, phân công giáo viên giảng dạy, ôn tập phù hợp để học sinh được tạo điều kiện bảo đảm kiến thức, tự tin với môn học mình lựa chọn.

Đồng thời, chú trọng công tác định hướng ôn tập thi tốt nghiệp và bảo đảm yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 với cấu trúc đề thi mới. Đội ngũ giáo viên làm công tác ôn thi tốt nghiệp, ngoài năng lực chuyên môn vững vàng, phương pháp làm việc khoa học, tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết, lòng say mê với nghề nghiệp, còn cần phải biết truyền ngọn lửa đam mê học tập cho học sinh.

Một giải pháp quan trọng là xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT, có định hướng phát triển lâu dài trong nhiều năm. Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng về thời gian, nội dung, phương pháp, người thực hiện, nguồn kinh phí dự trù, ...

Ứng dụng đề tham khảo, phân tích, cấu trúc của đề để rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu, nội dung dạy học, ôn tập. Khi lên lớp, cần chú trọng chuẩn bị nội dung, phù hợp với đối tượng học sinh. Giáo viên dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp dựa trên yêu cầu cần đạt; giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm của từng bài.

Nhà trường yêu cầu rõ giáo viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, sách giáo khoa, học liệu bổ trợ để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp. Đặc biệt, 2 môn thi mới trong Kỳ thi là Tin học và Công nghệ, sử dụng phương pháp dạy học hiện đại, như học qua dự án, thực hành để tăng tính thực tiễn, sự hứng thú của học sinh; tích hợp công nghệ, phần mềm giáo dục làm phong phú bài giảng.

Cùng với việc phân hóa tốt đối tượng để ôn tập, phụ đạo sát đối tượng trong ôn thi, nhà trường sẽ thường xuyên phân tích, đối sánh kết quả tích kiểm tra lũy lần sau so với lần trước của học sinh để điều chỉnh kịp thời nội dung, phương pháp dạy và học; lưu ý cách giao bài tập, kiểm tra việc ôn tập, lấy thông tin phản hồi ngược từ người học.

“Bên cạnh giải pháp chuyên môn, việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, tài liệu học tập, nguồn kinh phí,... cũng là cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, linh hoạt hình thức học tập (trực tuyến, trực tiếp) và mô hình học tập”, thầy Nguyễn Ngọc Hiền trao đổi.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-ket-qua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-post707092.html