Nhiều giải pháp phát triển kinh tế khu vực biên giới

Sáng nay (16-8), Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế khu vực biên giới với 25 tỉnh biên giới của Việt Nam.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cùng đại diện các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cùng đại diện các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

Tại điểm cầu Bình Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh dự hội nghị.

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924km tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia đi qua 25 tỉnh với 103 huyện, thị xã, thành phố biên giới của Việt Nam.

Việc tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh biên giới và khu vực biên giới vẫn duy trì ở mức khá. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tại các tỉnh biên giới, khu vực biên giới tiếp tục phục hồi và phát triển, khi năm 2020 đã có 17/25 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn cả nước.

Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tạo nền móng vững chắc cho kinh tế phát triển.

Tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương biên giới Việt Nam với các địa phương biên giới của các nước láng giềng; giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế các khu vực biên giới của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Với 25 tỉnh có đường biên giới, nhiều giải pháp phát triển kinh tế khu vực biên giới được các tỉnh đề xuất tại hội nghị. Trong ảnh: Một kho bãi tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh

Với 25 tỉnh có đường biên giới, nhiều giải pháp phát triển kinh tế khu vực biên giới được các tỉnh đề xuất tại hội nghị. Trong ảnh: Một kho bãi tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh

Theo đánh giá chung, kinh tế - xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Thương mại biên giới quy mô vẫn còn nhỏ, mất cân đối. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng còn hạn chế khi có đến 23/25 tỉnh vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Hạ tầng thương mại biên giới còn thiếu và yếu. Buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn ra phức tạp.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh biên giới đã đóng góp các ý kiến cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực biên giới. Trong đó nhấn mạnh các nội dung, như: Công tác quy hoạch là căn cứ để bố trí, thu hút đầu tư; các cơ chế, chính sách của Nhà nước là đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư; kết cấu hạ tầng giao thông biên giới, nâng cấp cửa khẩu; đầu tư hạ tầng thương mại biên giới, logistics để đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân, doanh nghiệp các nước chung đường biên; nâng cao năng lực thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại…

Anh Ngọc - Trương Hiện

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/126179/nhieu-giai-phap-phat-trien-kinh-te-khu-vuc-bien-gioi