Nhiều giải pháp phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Bát Xát

Những năm qua, huyện Bát Xát triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thuộc địa bàn vùng cao, biên giới nên tiểu thủ công nghiệp không phải là thế mạnh của huyện Bát Xát. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, Huyện ủy Bát Xát đã ban hành Đề án số 03 về “Phát triển thương mại - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp huyện Bát Xát, giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó tập trung phát triển ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; gia công cơ khí nhỏ, sửa chữa thiết bị, gia dụng; khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng, phát triển làng nghề và một số ngành nghề, dịch vụ khác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp…

Công nhân cơ sở tôn sắt Tài Lộc thi công công trình mái tôn tại xã Y Tý.

Công nhân cơ sở tôn sắt Tài Lộc thi công công trình mái tôn tại xã Y Tý.

Ông Nguyễn Hải Tùng, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bát Xát cho biết: Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp của huyện Bát Xát, chế biến nông sản; phát triển làng nghề, gia công cơ khí nhỏ đang được chú trọng và phát triển mạnh. Hầu hết các địa phương có cửa hàng cơ khí nhỏ, sửa chữa thiết bị gia dụng, cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo và sản phẩm chế biến từ gạo; một số xã còn có cơ sở sản xuất miến đao và làng nghề mây tre đan, chạm khắc bạc…

Vài năm trở lại đây, do nhu cầu sản xuất, xây dựng, nghề gia công cơ khí ở Bát Xát có cơ hội phát triển hơn. Huyện hiện có hơn 10 cơ sở rèn tại xã Bản Vược, xã Cốc San và thị trấn Bát Xát, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 128 cơ sở sửa chữa và gia công cơ khí…

Anh Trần Ngọc Tài, chủ cơ sở kinh doanh tôn sắt Tài Lộc ở xã Y Tý cho biết: Vật liệu bằng tôn, sắt, nhôm đang được người dân vùng cao ưa chuộng bởi giá thành rẻ, độ bền cao, dễ thi công, lắp đặt. Người dân thường chọn tôn, sắt, nhôm định hình để làm mái nhà, mái che sân, nhà kho, nhà tạm… nên các công nhân của cơ sở thường làm không hết việc. Ngoài địa bàn xã Y Tý, chúng tôi còn có nhiều công trình tại các xã Dền Sáng, Ngải Thầu, A Lù, A Mú Sung…

Trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, huyện Bát Xát có 2 hợp tác xã sản xuất miến đao là Hợp tác xã Thành Sơn và HTX Minh Phúc. Sản lượng miến cung ứng trên thị trường 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 17 tấn, giá trị ước đạt 1,36 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các cơ sở chế biến lâm sản tại các xã: Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Cốc San và thị trấn Bát Xát. Sản lượng khai thác, bóc tách gỗ 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.050 m3. Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên Lương Hoàng Minh triển khai dự án ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất thức ăn gia súc tại xã Quang Kim và Công ty TNHH Một thành viên Nam Anh cũng đang đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến chè tại xã A Mú Sung. Đây là 2 cơ sở được đánh giá là có triển vọng và tạo cơ hội thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp của địa phương phát triển.

Sản xuất miến đao sâm tại Hợp tác xã Minh Phúc.

Sản xuất miến đao sâm tại Hợp tác xã Minh Phúc.

Ông Đặng Tiến Quân, Giám đốc HTX Minh Phúc, xã Cốc Mỳ cho biết: Năm 2017, hợp tác xã đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa ra thị trường miến đao sâm -sản phẩm được chế biến từ củ dong riềng kết hợp với củ hoàng sin cô (sâm khoai). Mỗi năm hợp tác xã thu mua nguyên liệu dong riềng và hoàng sin cô từ các xã A Lù, Ngải Thầu, Cốc Mỳ, Nậm Chạc và Trịnh Tường để sản xuất 10 tấn miến thành phẩm. Sản phẩm miến đao sâm hiện đã tiếp cận được thị trường Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Theo khảo sát của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bát Xát, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt 125,2 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn huyện có 589 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.200 lao động…

Ông Nguyễn Hải Tùng, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bát Xát cho biết thêm: Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển, tập trung mạnh vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm. Huyện cũng sẽ làm việc và đề nghị các cấp, các ngành, ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn, có chính sách ưu đãi về lãi suất để các cơ sở tiếp cận, mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, thiết bị thúc đẩy sản xuất…Năm 2019, huyện Bát Xát phấn đấu đạt giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hơn 250 tỷ đồng.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-phat-trien-tieu-thu-cong-nghiep-o-bat-xat-z3n20190914151928516.htm