Nhiều giải pháp phổ cập bơi cho trẻ ở Hải Phòng

Xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) một sớm cuối tuần nhộn nhịp hơn khi có gần 100 học sinh tiểu học và THCS của xã tập trung tham dự lớp học bơi miễn phí. Đây là hoạt động ý nghĩa và hiệu quả do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã An Lư phối hợp với Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 triển khai từ năm 2017 đến nay.

Đến với lớp học bơi miễn phí tại xã An Lư, các em được trang bị kỹ năng bơi, xử lý khi gặp sự cố dưới nước và tham gia một số hoạt động, trò chơi nhằm tăng sự hứng thú như: Kỹ năng nổi ngửa, bơi trườn sấp, trò chơi đua thuyền... Trong thời gian một tháng (tùy tình hình thời tiết), học sinh được các thầy giáo là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 hướng dẫn các kỹ thuật bơi đến khi thành thạo mới thôi. Em Nguyễn Thành Tú, thôn An Lợi, xã An Lư cho biết: “Chỉ trong một tháng, em được các thầy tận tình chỉ dạy tập luyện môn bơi. Hiện giờ, em đã thành thục kiểu bơi ếch, bơi sải và bơi bướm. Không chỉ học bơi, em còn được vui chơi, gặp gỡ các bạn và được nhận quà tặng”.

Tại huyện Vĩnh Bảo, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các xã Liên Am, Tam Đa, Nhân Hòa... đã linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi. Tùy điều kiện, cán bộ đoàn các xã sẽ lựa chọn ao của một số hộ gia đình bảo đảm sạch sẽ, an toàn để hướng dẫn các em nhỏ kỹ thuật bơi. Với cách làm này, chỉ qua 3 lần tổ chức, huyện Vĩnh Bảo đã phổ cập bơi và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho gần 700 em thiếu niên, nhi đồng.

 Tập huấn nghiệp vụ bơi, phòng, chống đuối nước cho hướng dẫn viên, cộng tác viên tại TP Hải Phòng năm 2020.

Tập huấn nghiệp vụ bơi, phòng, chống đuối nước cho hướng dẫn viên, cộng tác viên tại TP Hải Phòng năm 2020.

Bốn năm qua, tại bể bơi Hạ Lý (phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) đã có rất nhiều em nhỏ được học bơi miễn phí từ nhóm “Bơi cùng cô”. Được biết, nhóm “Bơi cùng cô” được thành lập năm 2016 và đến nay đã dạy bơi miễn phí cho hơn 1.000 người trên địa bàn.

Để có những hướng dẫn viên, cộng tác viên có chuyên môn về bơi, phòng, chống đuối nước, hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã phối hợp với Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục Thể thao) tổ chức các lớp tập huấn. Từ năm 2016 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã tổ chức 13 lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ cho 500 cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên cứu hộ, cứu nạn làm việc tại các bể bơi, bãi tắm, khu vui chơi giải trí dưới nước. Sau chương trình tập huấn, các đơn vị quận, huyện tổ chức các lớp tập huấn cho hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ của các xã, phường, trường học và các đơn vị tổ chức hoạt động bơi lội, các khu vui chơi giải trí dưới nước; tổ chức giải bơi thiếu niên, nhi đồng và bơi cứu đuối, phòng, chống tai nạn đuối nước, thu hút khoảng 1.000 vận động viên tham gia.

Hải Phòng là địa phương có đường bờ biển dài, có nhiều cửa sông lớn, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em. Ngoài việc đẩy mạnh việc phổ cập bơi, trang bị kiến thức phòng, chống đuối nước cho trẻ thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội là rất quan trọng. Bà Phạm Thị Tô Trang, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng cho biết: “TP Hải Phòng hiện có 36 bể bơi xây kiên cố, 4 bể vầy hỗn hợp, 21 bể mini tại các quận, huyện và 40 bể bơi phao lắp ghép theo chương trình phối hợp công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023. Hiện 40 bể bơi phao lắp ghép được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng cấp phát về 40 trường học thuộc các quận, huyện như Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, Ngô Quyền, An Dương, An Lão... để phục vụ việc dạy bơi, dạy kỹ năng cứu đuối miễn phí cho các em học sinh tại trường”.

Bài và ảnh: HOA LƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nhieu-giai-phap-pho-cap-boi-cho-tre-o-hai-phong-635238