Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, không tăng ca,... Trước thực trạng trên, các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách, tạo việc làm mới cho người lao động (NLĐ).
Công nhân Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức trong ca sản xuất.
Theo thống kê, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 20 doanh nghiệp phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với khoảng 7.000 người do thiếu đơn hàng. Một số công ty phải cắt giảm lao động, thậm chí ngừng hoạt động như Công ty TNHH TCE Jeans tại xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) vừa qua cắt giảm 1.800 công nhân (công ty có 5.000 công nhân); Công ty TNHH Fruit Of the Loom tại xã Quảng Lợi (Quảng Xương) cắt giảm 900 công nhân trong tổng số 3.200 công nhân; Công ty TNHH T&H Newstar tại phường Đông Hải và Công ty TNHH ABC phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng,... Việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi đơn hàng giảm, nhiều lao động mất việc, làm phát sinh nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, nợ bảo hiểm xã hội, chậm trả lương, chậm trả phúc lợi cho NLĐ có chiều hướng gia tăng. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến NLĐ tại các doanh nghiệp đình công, tập trung đông người trái pháp luật, gây rối an ninh, trật tự.
Theo thống kê, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 20 doanh nghiệp phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với khoảng 7.000 người do thiếu đơn hàng.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 880/UBND-VX ngày 19-1-2023, yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp hỗ trợ NLĐ mất việc làm, ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần tăng cường theo dõi, nắm bắt, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho NLĐ của doanh nghiệp, nhất là NLĐ bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho NLĐ. Đặc biệt quan tâm đối với NLĐ mất việc làm hoặc có việc làm không ổn định trở về từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được tiếp cận tìm kiếm việc làm tại địa phương và đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các xã, phường, thị trấn rà soát NLĐ tại địa phương bị mất việc làm trong doanh nghiệp, có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm; chủ động cung cấp danh sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp để cân đối, bố trí nguồn vốn, tạo điều kiện cho NLĐ được vay vốn.
Về phía Sở LĐ-TB&XH cũng đã chủ động, phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cắt giảm, cho thôi việc nhiều lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động như: chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, xây dựng phương án sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm,... Đồng thời thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng.
Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, xuất khẩu lao động cho đoàn viên thanh niên và học sinh huyện Quan Hóa.
Đặc biệt, nhằm kết nối cung - cầu lao động, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm nắm bắt tình hình NLĐ và các doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động; hướng dẫn NLĐ tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn cắt giảm hoặc cho nhiều lao động thôi việc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, tính đến hết tháng 3-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và 3 ngày hội việc làm tại các huyện Lang Chánh, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn với tổng số 99 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và 6.484 lượt NLĐ tham gia; thông qua các phiên giao dịch việc làm, đơn vị đã kết nối việc làm thành công cho 637 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề; hướng dẫn cho 1.343 lao động trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Đồng thời, giới thiệu, hướng dẫn 2 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh; 25 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có đơn hàng tốt về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động. Cung cấp thông tin về thị trường lao động và các chính sách liên quan cho 25.100 lượt lao động; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho 12.948 lượt lao động.
...trong quý I-2023, toàn tỉnh tạo việc làm cho 13.500 lao động (đạt 23,3% so với kế hoạch năm và bằng 102,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, trong quý I-2023, toàn tỉnh tạo việc làm cho 13.500 lao động (đạt 23,3% so với kế hoạch năm và bằng 102,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài được 1.513 người (đạt 30,3% so với kế hoạch năm và bằng 472,8% so với cùng kỳ năm 2022). Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó, giải quyết việc làm trong nước 53.000 người và xuất khẩu lao động 5.000 người. Để hoàn thành kế hoạch, tạo thêm nhiều việc làm mới cho NLĐ, thời gian tới các Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài về phối hợp, tuyển chọn lao động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến; tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của NLĐ bị thất nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, giải quyết kịp thời chế độ quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp bảo đảm việc làm cho NLĐ.