Nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra ngăn ngừa gian lận thuế
Cùng với việc thu kịp thời các nguồn thu vào ngân sách nhà nước, cơ quan thuế các cấp đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra thuế để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, chống thất thu ngân sách và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra trên 38 nghìn tỷ đồng
Phát biểu tại diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại - Chủ động ứng phó với những chiêu thức vi phạm mới trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế), cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại (thường) sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận hoàn thuế, trốn thuế gia tăng vào những tháng cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết tăng mạnh.
Mặt khác, với sự chuyển trạng thái của xã hội - thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kinh tế có bước hồi phục, nhu cầu hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu cho sản xuất tăng trở lại, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận hoàn thuế, trốn thuế sẽ tiếp tục gia tăng, với những phương thức, thủ đoạn mới.
Cán bộ công chức thuế Cục Thuế Thái Nguyên kiểm tra hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Ảnh: T.H
Thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã phát hiện gian lận tập trung một số số mặt hàng nhập lậu vào nội địa như: Hạt điều được nhập từ biên giới Campuchia để xuất sang các nước khác, nhằm giả mạo xuất xứ của Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến sản lượng tình hình sản xuất kinh doanh trong nước. Mặt hàng vòng bi, hàng cơ khí nhập lậu từ những nước có biên chung đường biên giới vào Việt Nam nhằm mục đích xuất sang các nước khác như Nga và các nước châu Âu, để tránh được thuế suất 40% của nước Nga và hưởng thuế suất 0% của Việt Nam. Việc này đã tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Thông tin tình hình kết quả triển khai công tác quản lý thuế tháng 11 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12/2021 của Tổng cục Thuế ghi nhận, toàn ngành Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế. Tính đến ngày 15/11/2021, cơ quan thuế đã thực hiện được 54.884 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó kiểm tra được 755.098 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 132,85% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 38.698 tỷ đồng.
Cùng với đó, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 300 doanh nghiệp (DN) có hoạt động giao dịch liên kết. Truy thu, truy hoàn và phạt 792,7 tỷ đồng; giảm lỗ 2.780 tỷ đồng; giảm khấu trừ 10,61 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.560 tỷ đồng. Trong đó, thanh, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 476,7 tỷ đồng, giảm lỗ 2.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.350 tỷ đồng.
Tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại
Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, các luật thuế và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế, theo tinh thần Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, toàn ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ, đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP khi hết thời gian gia hạn, tránh việc phát sinh nợ thuế và tiền chậm nộp làm tăng thêm khó khăn về tài chính cho DN; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho DN và người dân, theo các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho DN và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu bền vững cho NSNN.
Trong tháng 12 này, ngành Thuế cũng sẽ đẩy mạnh công tác quản lý thu trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế (NNT). Cơ quan thuế các cấp đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN; triển khai thực áp dụng đơn điện tử tại các địa phương, góp phần thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, tiết kiệm chi phí cho DN và tạo thuận lợi trong quản lý thuế.
Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu NSNN, bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các DN, đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế.
Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu NSNN, nhất là trong tháng cuối năm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng lành mạnh, qua đó khuyến khích, thu hút đầu tư./.