Nhiều giải pháp thiết thực giữ gìn vệ sinh môi trường
Thời gian qua, một số khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra sự cố, phải dừng hoạt động. Thực tế này khiến nhiều địa phương bị ùn ứ hàng nghìn tấn rác, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, huyện Phúc Thọ đã có nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục, trong đó có việc đầu tư xây dựng các nhà chứa rác, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Mỗi ngày, trên địa bàn huyện Phúc Thọ phát sinh hơn 70 tấn rác thải sinh hoạt. Để xử lý lượng rác này, 22 xã, thị trấn của huyện đã thành lập 180 tổ thu gom, vận chuyển rác từ khu dân cư ra điểm tập kết của xã. Nhân dân có trách nhiệm đóng phí vệ sinh môi trường theo mức quy định của thành phố để duy trì hoạt động các tổ thu gom. Huyện có trách nhiệm đầu tư xây dựng các điểm tập kết rác; hợp đồng doanh nghiệp môi trường vận chuyển rác đến các khu xử lý tập trung, tưới rửa các trục đường chính…
Huyện Phúc Thọ chọn các vị trí ngay sát tuyến đường lớn để xây dựng điểm tập kết rác. Việc làm này tuy tận dụng hạ tầng sẵn có, giảm chi phí xây dựng… nhưng để lại nhiều hậu quả cho môi trường. Do xác định là tạm thời nên hầu hết các bãi chứa rác trước đây không có tường bao, nền đất, không có mái che… Khi gió to, túi ni lông, giấy thải… bay ra cánh đồng, đường giao thông không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan nông thôn mà khiến nhiều người dân bức xúc… Khắc phục tình trạng trên, huyện Phúc Thọ đã rà soát, đóng các điểm tập kết không bảo đảm môi trường; giao trách nhiệm cho các xã không để tồn tại bãi rác tự phát; đầu tư kinh phí xây dựng mới nhà chứa rác kiên cố hợp vệ sinh. Dựa trên quy mô dân số, khối lượng rác thải phát sinh và khả năng quỹ đất, huyện đầu tư cho mỗi xã, thị trấn từ một đến 3 nhà chứa, diện tích từ 250 đến 1.000m2, cách xa khu dân cư tối thiểu 1,5km, kinh phí xây dựng trung bình khoảng 700 triệu đồng/nhà chứa. Hiện nay, toàn huyện có 43 nhà chứa rác. Tất cả các nhà chứa được xây dựng tường cao bao quanh, nền đổ bê tông, có mái che, xung quanh có hệ thống thu gom, xử lý nước rác…
Tuy nhiên, trên thực tế trên địa bàn huyện Phúc Thọ, vẫn còn “điểm đen” về môi trường. Khoảng 100m đường 82, đoạn thuộc xã Võng Xuyên, bị biến thành bãi rác tự phát. Theo bà Bùi Thị Bé ở cụm 4 xã Võng Xuyên, nguyên nhân là do một số người không nộp phí vệ sinh, mang rác ra đổ trộm. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Đặng Văn Nghĩa cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Võng Xuyên phải khắc phục ngay. Giải pháp thực hiện là bố trí lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm hành vi đổ rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc nộp đầy đủ phí vệ sinh môi trường của công dân trên địa bàn được xem là tiêu chí bình xét gia đình văn hóa. Địa phương nào để ô nhiễm môi trường, gây bức xúc nhân dân, lãnh đạo xã, thị trấn đó sẽ bị trừ điểm thi đua hằng năm… Không để một vài trường hợp thiếu ý thức, trách nhiệm mà gây ảnh hưởng đến môi trường không khí trong lành của cộng đồng. Cùng những giải pháp trên, huyện Phúc Thọ yêu cầu các xã, thị trấn giám sát công tác vận chuyển rác của tổ thu gom; đề nghị thành phố cho tăng khối lượng vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung, hạn chế khối lượng rác tồn trong khu dân cư, nhà chứa…
Đánh giá công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, ông Đặng Văn Nghĩa khẳng định, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ý thức, trách nhiệm của một số người dân và cán bộ chưa cao, còn tư tưởng “chỉ biết sạch nhà mình, địa phương mình”, thiếu quan tâm lợi ích của cộng đồng, xã hội... Khắc phục hạn chế này, huyện đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền pháp luật, huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường… Trong đó, huyện chú trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ bằng các hành động cụ thể: Nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư… Theo kế hoạch, từ hôm nay (3-12) cho đến Tết Nguyên đán, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức các đoàn kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, an toàn thực phẩm tại tất cả các xã, thị trấn…