Nhiều giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, làng là nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng tỉnh Gia Lai thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Nhiều giải pháp hay từ cơ sở
Từ những hạn chế, bất cập trong các buổi sinh hoạt chi bộ ở thôn, làng, Đảng ủy xã Đak Pling (huyện Kông Chro) xác định phải nhanh chóng đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức buổi sinh hoạt sao cho hiệu quả. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đinh Y Vét, ngoài việc giao chỉ tiêu tạo nguồn phát triển đảng viên tại các chi bộ thôn, làng nhằm nâng cao vai trò của tổ chức và đảng viên, Đảng ủy xã còn phân công Đảng ủy viên tham gia sinh hoạt chi bộ, định hướng nội dung các buổi họp gắn với thực tiễn tại địa phương như: đề cập những gì thiết thực nhất liên quan đến đời sống người dân; phân công, giao trách nhiệm cho từng đảng viên phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ 5-6 hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tích cực lao động sản xuất, từ bỏ rượu chè, tệ nạn xã hội.
“Dưới sự dẫn dắt của Đảng ủy viên, chất lượng sinh hoạt của các chi bộ được nâng lên, nội dung, chủ đề sinh hoạt được triển khai rõ ràng, cụ thể. Qua các buổi sinh hoạt chi bộ, đảng viên là cán bộ chủ chốt của xã đã thông tin kịp thời đến chi bộ những chủ trương, định hướng của xã, huyện, nhất là triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở thực hiện. Đồng thời, theo dõi, đánh giá và kịp thời đôn đốc việc thực hiện nghị quyết chi bộ hàng tháng. Đặc biệt, mỗi khi cấp ủy viên của huyện về tham gia sinh hoạt, Đảng ủy xã mời tất cả các bí thư chi bộ thôn, làng về dự để học tập, rút kinh nghiệm, ghi chép đầy đủ để triển khai ở chi bộ mình. Điều này đã từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở”-Bí thư Đảng ủy xã Đak Pling khẳng định.
Cùng cách làm này, thời gian qua, Đảng ủy xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) cũng chỉ đạo các chi bộ chú trọng đổi mới nội dung sinh hoạt gắn với thực tiễn của địa phương; phát huy dân chủ trong thảo luận về những vấn đề trọng tâm trên địa bàn dân cư. Nhiều chi bộ đã ra nghị quyết về công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội sát, đúng với yêu cầu thực tế như: cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giảm tỷ lệ hộ nghèo; giữ vững an ninh trật tự thôn, làng; giữ gìn vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội đoàn thể; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh hay triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên…
Ông Nay Weh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rtô-cho hay: Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, Đảng ủy xã chỉ đạo lồng ghép kể chuyện về Bác Hồ, sinh hoạt chuyên đề về công tác xây dựng Đảng nhằm từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong việc tích cực phát biểu, đóng góp xây dựng nghị quyết chi bộ. Bên cạnh đó, việc được Ban Thường vụ Thị ủy trang bị cặp tài liệu sinh hoạt chi bộ, trong đó có sổ tay bí thư chi bộ tích hợp các quy định, hướng dẫn của Đảng cấp trên được biên soạn lại ngắn gọn đã giúp các bí thư chi bộ nghiên cứu, nắm vững các nguyên tắc, nghiệp vụ công tác Đảng, trình tự yêu cầu trong sinh hoạt chi bộ, từ đó nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt tại chi bộ.
Củng cố hệ thống chính trị cơ sở
Đánh giá về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-khẳng định: Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”, cấp ủy, chi bộ đã thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở thôn, làng; phân công nhiệm vụ rõ ràng cụ thể cho từng đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình và người dân tích cực sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Bên cạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, việc chuẩn hóa đội ngũ, tạo nguồn phát triển đảng viên cũng được quan tâm thực hiện nghiêm túc.
Đi đôi triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm tại địa phương, Huyện ủy Krông Pa cũng tích cực chỉ đạo cấp ủy các cấp quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Cấp ủy các cấp chú trọng kiện toàn tổ chức Đảng gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cấp ủy viên cơ sở vững vàng về chính trị, tư tưởng, có năng lực thực tiễn, sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò chỉ đạo, giám sát thường xuyên của cấp ủy các cấp; các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có chi ủy được chú trọng thực hiện. Đến nay, 70/77 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện có chi ủy, đạt 90,9%; tỷ lệ phát triển đảng viên hàng năm bình quân đạt 6,5% so với số đảng viên đầu nhiệm kỳ 2015-2020.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Krông Pa, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát huy vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở phải căn cứ vào yêu cầu của từng địa phương, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.