Nhiều giải pháp thúc đẩy sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến
Là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong chuyển đổi số, phát triển và vận hành hiệu quả hệ thống đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường, thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn, cung cấp DVCTT chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử.
Giảm 40% lệ phí khi sử dụng DVCTT
Đầu tháng 9/2023, Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về quy định mức thu lệ phí khi thực hiện TTHC thông qua DVCTT trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực. Đây được xem là giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT. Theo đó, giảm 40% lệ phí TTHC cho các tổ chức, cá nhân khi sử dụng DVCTT, các loại phí được giảm bao gồm: phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; phí cấp phép xây dựng; phí đăng ký kinh doanh; phí hộ tịch, phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Thừa Thiên Huế.
Theo ông Phạm Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh được ban hành là cú hích nhằm động viên, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng DVCTT, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Nhằm giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, TTHC được nhanh, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân và triển khai ứng dụng DVCTT trên nền tảng Hue-S giúp đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch DVCTT cũng như các giao dịch khác. Sau khi được cấp chữ ký số, người dân có thể sử dụng để đăng ký DVCTT mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.040 TTHC, trong đó có 863 DVCTT một phần và 1.190 DVCTT toàn trình; đã giải quyết 186.974 hồ sơ trong đó có 36,7% hồ sơ phát sinh trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023. Tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến là 100% trên tổng số 654 thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính. Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia theo mô hình 4 cấp; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, so với việc thực hiện dịch vụ hành chính công truyền thống, việc triển khai DVCTT mang đến nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân. Việc sử dụng DVCTT nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để tăng tỷ lệ sử dụng DVCTT, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến hết năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa đạt 50%. "Để đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra về nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó các thành viên đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân tự sử dụng DVCTT để đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người biết cách sử dụng tài khoản VNeID, đăng nhập và sử dụng DVCTT trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia", ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Tỉnh chuyển đổi số điển hình
Ngày 17/9 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch triển khai mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình năm 2023. Với mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh, tỉnh phấn đấu 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin; trên 90% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.
Theo kế hoạch này, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu kinh tế số chiếm 15% GRDP; tối thiểu 20% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Tỉnh đặt mục tiêu hình thành 30 doanh nghiệp công nghệ số, 20% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Đối với nội dung xã hội số, tỉnh phấn đấu tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng di động, phủ băng rộng cố định đạt 100%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 85%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet đạt 90%...
Với mô hình chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã, Thừa Thiên Huế phấn đấu 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 100% các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện, xã và sản phẩm OCOP được quảng bá qua môi trường mạng...
Phú Lộc là một trong những huyện đi đầu trong chuyển đổi số của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Minh Quân, cho biết đến nay huyện đã thực hiện số hóa hơn 42.600 địa chỉ nhà ở, hơn 153.800 nhân khẩu; tích hợp, kế thừa các dữ liệu từ các hệ thống dùng chung của tỉnh. Hệ thống Trung tâm giám sát điều hành thông minh huyện Phú Lộc với các phân hệ thông tin dữ liệu được cập nhật, đồng bộ theo thời gian gồm: địa chỉ số, hộ nghèo, cận nghèo, chính sách; Tổ công nghệ số cộng đồng, Hue-S và ví điện tử, phản ánh hiện trường, dịch vụ công, tiếp cận truyền thông, lưu lượng giao thông. Toàn huyện có hàng trăm tổ công nghệ số cộng đồng đang lan tỏa về các thôn, làng, bản để hòa người dân vào dòng chảy chuyển đổi số.