Nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư công

Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để giải ngân hết gần 8 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Bên cạnh hàng loạt công trình khởi công mới, TP cũng sẽ giải quyết dứt điểm 50% trên tổng số 226 dự án dang dở nhiều năm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề về đầu tư công sáng 22-2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề về đầu tư công sáng 22-2.

Khởi công 25 công trình lớn

Nhiều ý kiến tại hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công do lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trì ngày 22-2 cho thấy, khâu giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất ảnh hưởng tới tiến độ các công trình dự án. Bên cạnh đó, những vướng mắc về thủ tục, quy trình, quy hoạch, năng lực tư vấn, nhà thầu… cũng là trở ngại không nhỏ. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2022 TP đã giải ngân 6.345 tỷ đồng vốn đầu tư công (bằng 115% kế hoạch Trung ương giao, đứng thứ 2/14 địa phương miền Trung. Đây là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của TP, nhất là việc linh hoạt điều chuyển, cắt giảm vốn từ các dự án chậm, không thể giải ngân sang các dự án khả thi.

Ngoài ra, TP còn duy trì 2 tổ công tác liên ngành để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đất đai, đầu tư; thực hiện ủy quyền quyết định chủ trương đầu tư cho các quận, huyện. Mặc dù vậy, theo bà Tâm, những vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn lớn, nhất là về thủ tục, thanh tra, quy hoạch, mặt bằng… Điển hình một số dự án gặp vướng mắc này không đảm bảo mục tiêu giải ngân đề ra là Tuyến đường vành đai phía Tây từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh, Khu công viên phần mềm số 2 giai đoạn 1, Nhà máy nước Hòa Liên, Trục I Tây Bắc, Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng...

Trong tổng số gần 8 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 của Đà Nẵng, sẽ có hơn 2,3 tỷ đồng đầu tư cho 30 công trình, dự án trọng điểm. TP cũng đặt kế hoạch khởi công 25 công trình chào mừng các ngày lễ lớn, trong đó có các công trình vốn đầu tư lớn như nâng cấp Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, cầu Quảng Đà, cầu Biện, chợ đầu mối Hòa Phước, bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2… Có 38 công trình dự kiến sẽ hoàn thành để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Theo tiến độ đề ra, đến 30-6 TP sẽ giải ngân 50% và đến 31-1-2024 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn của năm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tập trung gỡ vướng mặt bằng

Để có mặt bằng triển khai các dự án đầu tư công mới và các dự án dang dở, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch năm 2023 tập trung đền bù, giải tỏa 202 dự án. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho biết, Liên Chiểu là địa phương có số dự án cần giải tỏa đền bù nhiều nhất với 49 dự án (4.128 hồ sơ), Hòa Vang với 46 dự án (7.798 hồ sơ), Ngũ Hành Sơn 38 dự án (3.050 hồ sơ). Có thể thấy, khối lượng hồ sơ cần giải phóng mặt bằng rất lớn, tuy vậy thực tiễn đền bù, giải tỏa, tái định cư hiện phát sinh nhiều vướng mắc.

Cụ thể, theo ông An, khó khăn, vướng mắc đó là giá đất bồi thường thấp; việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, ổn định việc làm đất nông nghiệp còn thấp hơn các địa phương khác; chưa có đất tái định cư bố trí cho người dân giải tỏa… Theo quy định, dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng phải đảm bảo có đất ở, có nhà ở tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất. Thực tế, trước khi triển khai dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chuẩn bị các khu đất tái định cư để bố trí cho các hộ giải tỏa hoặc có quy hoạch khu tái định cư nhưng chậm có đất thực tế. Hiện nay quỹ đất để lập phương án tái định cư trên toàn địa bàn thành phố phần lớn sử dụng quỹ đất có sẵn, nằm rải rác ít cùng thuộc địa bàn dự án giải tỏa và phân bổ không đồng đều, nơi thừa nơi thiếu. Nhiều dự án đang triển khai không thực hiện được việc giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp hồ sơ đất ở, nhà ở do không có khu tái định cư thực tế để bố trí cho người dân. Nhiều địa bàn không có nhà cho thuê, việc thuê nhà ở tạm trong thời gian chờ đất tái định cư thực tế là rất khó khăn.

Ông An đề xuất, các dự án mới thực hiện từ năm 2023 cần áp dụng giá đất bồi thường tiệm cận với giá thị trường và chỉ thực hiện bố trí tái định cư cho các hộ phải di chuyển chỗ ở. Ngoài ra, phải có đất tái định cư thực tế mới triển khai công tác GPMB (trừ các dự án tái định cư, bố trí tại chỗ sẽ có phương án đảm bảo nơi ở tạm sau khi bàn giao mặt bằng để chờ nhận đất thực tế xây dựng nhà ở). TP cũng cần xây dựng chính sách giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở đối với trường hợp xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở, chưa bàn giao mặt bằng tại các dự án trên địa bàn.

Là địa phương có nhiều dự án cần GPMB, lãnh đạo quận Liên Chiểu đã liệt kê hàng loạt vướng mắc liên quan đến giải tỏa đền bù. Đó là vướng mắc về giải quyết chỗ ở với các hộ làm nhà trên đất không phải là đất ở; vướng mắc về việc nộp tiền sử dụng đất đối với lô đất tái định cư (giá bồi thường thấp, giá đất tái định cư cao, dân không đủ tiền mua); vướng mắc liên quan đến biến động giá cả thời điểm được đền bù so với giá thị trường hiện nay; vướng mắc do dự án phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần... Đây là những vướng mắc khiến việc giải tỏa trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, có dự án vướng giải tỏa, dang dở, kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Gỡ được “điểm nghẽn” về mặt bằng sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn các dự án đúng kế hoạch.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đền bù giải tỏa năm 2022.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đền bù giải tỏa năm 2022.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Để hoàn thành giải ngân gần 8 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu chủ đầu tư, Ban QLDA có kế hoạch tiến độ từng tháng với từng dự án. TP đã giao tiến độ, gắn với trách nhiệm cụ thể, sẽ giám sát chặt chẽ. Ông Chinh cũng yêu cầu sở Xây dựng có giải pháp nâng cao chất lượng tư vấn cũng như chất lượng công trình, cương quyết xử lý các nhà thầu, đơn vị tư vấn kém chất lượng. Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nhanh các thủ tục về khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp, không để các công trình bị thiếu hụt. Đặc biệt, các quận huyện phải tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm. Những vướng mắc phát sinh cần kịp thời đề xuất TP xử lý.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị sửa đổi một số quy định thuộc thẩm quyền của TP liên quan đến bồi thường, giải tỏa cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, trước khi tiến hành thu hồi đất, giải tỏa thì phải có đất tái định cư, tránh tình trạng thiếu, nợ đất tái định cư. Trong đó, Hòa Vang và Liên Chiểu là hai địa phương có nhiều dự án, người dân giải tỏa nhiều, cần thực hiện ngay giải pháp này. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu trong năm 2023 phải hoàn thành đưa vào sử dụng 38 công trình theo kế hoạch, đồng thời khởi công 25 công trình mới. Đặc biệt, với 226 công trình dang dở, kéo dài nhiều năm, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải xử lý dứt điểm tối thiểu 50% (khoảng hơn 100 công trình) trong năm. Từng công trình cụ thể phải được giao cụ thể cho từng đầu mối, gắn với trách nhiệm cụ thể, TP sẽ có giám sát tiến độ.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-giai-phap-thuc-day-tien-do-dau-tu-cong-post273676.html