Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm
Các địa phương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu quý IV/2019 khoảng 190 triệu USD để cả năm đạt 680 triệu USD, hoàn thành 100% kế hoạch, tăng 7,9% so với năm 2018.
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hữu quan theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và những thuận lợi, khó khăn để tháo gỡ kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Sở cập nhật diễn biến thị trường thế giới, cung cầu hàng hóa của thị trường truyền thống, thị trường mới… nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm hàng hóa phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng sản xuất chế biến những mặt hàng thủy sản chủ lực, giá trị gia tăng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường thế giới vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch đón mừng năm mới 2020 cũng như Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới.
Ngoài ra, tỉnh hoàn thành đề án hỗ trợ 20 doanh nghiệp trên địa bàn thiết kế mới, nâng cấp miễn phí trang thông tin điện tử (website), nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, tăng cường thông tin đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Sở Công Thương Kiên Giang mở lớp bồi dưỡng kiến thức Hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp và triển khai vận hành Tổ nghiên cứu thị trường của tỉnh hoạt động hiệu quả, tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ông Ngô Công Tước, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang cho biết, tỉnh chỉ đạo sở, ngành chức năng hữu quan kịp thời giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn lưu động, nguồn nguyên liệu, công nhân lao động, đầu tư công nghệ, đẩy mạnh sản xuất chế biến, xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là củng cố thị trường truyền thống gắn với phát triển các thị trường mới. Tăng cường mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực như: gạo, hải sản, hồ tiêu, giày da…
Theo Sở Công thương Kiên Giang, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 9 tháng năm 2019 đạt hơn 492 triệu USD, bằng 72,4% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018, với những mặt hàng chủ lực như: gạo, tôm đông, cá đông, mực và bạch tuộc đông, hải sản đông khác, đồ hộp, giày da...
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Công Thương liên quan đến quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP.
Sở Công Thương thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu một số yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và việc nước này siết chặt quản lý thương mại biên giới, hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc; tổ chức một số lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp...
Tại tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng Nai đạt trên 26,4 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đang có chiều hướng tăng chậm lại, khả năng sẽ không hoàn thành nghị quyết về xuất khẩu cả năm 2019.
Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2019 đạt 1,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 8. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt 14,4 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng thời gian trên, các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai nhập khẩu 11,9 tỷ USD. Như vậy xuất siêu trong 9 tháng năm 2019 của Đồng Nai đạt 2,5 tỷ USD, tăng trên 41,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo dự báo của Sở Công thương Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 của các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD, tăng trên 7,1%. Với mức tăng này, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Đồng Nai không đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu tăng 10 – 12%).
Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đang tăng chậm lại là do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực đang chịu nhiều áp lực giảm giá và các hàng rào kỹ thuật.
Điển hình xuất khẩu dệt may của Đồng Nai trong tháng 9 chỉ đạt 194 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 8. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của dệt may Đồng Nai là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo nhận định của Sở Công Thương Đồng Nai, những tháng cuối năm 2019 dự báo doanh nghiệp dệt may sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như sản phẩm đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao, trong khi giá giảm, áp lực cạnh tranh và các hàng rào thương mại ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh các đơn hàng dệt may hiện không ký được dài hạn mà chỉ theo tháng, theo quý, khiến doanh nghiệp không chủ động được khâu sản xuất.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như xơ, sợi cũng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh do giá giảm. Trong đó, sản phẩm hồ tiêu của Đồng Nai mặc dù 9 tháng năm 2019 kim ngạch xuất khẩu tăng 37,5% về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Hiện Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường để; tổ chức xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện cũng đang tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường nước ngoài để giảm giá thành sản phẩm và ổn định sản xuất.