Nhiều giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan với số lượng trường đạt chuẩn ngày càng tăng. Trong đó, ngoài việc tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các trường học còn tích cực vận động nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trường Tiểu học Phúc Ninh (Yên Sơn) đã được đầu tư xây dựng 4 phòng học với trị giá 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà trường còn huy động đóng góp của phụ huynh và giáo viên để hoàn thiện 1 phòng học chức năng, trị giá 58 triệu đồng. Cô giáo Phạm Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì việc huy động nguồn xã hội hóa đã góp phần quan trọng để nhà trường có cơ sở vật chất khang trang hơn và đạt chuẩn quốc gia từ năm 2015. Đến nay, nhà trường có tổng số 24 phòng học đáp ứng yêu cầu dạy học. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục để duy trì và củng cố chất lượng trường chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn tỉnh còn tiến hành dồn ghép các điểm trường lẻ ở thôn, bản về điểm trường chính để tập trung cơ sở vật chất, giáo viên, đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trước đây, trường Mầm non Vinh Quang (Chiêm Hóa) có 16 điểm trường, đến nay nhà trường đã thực hiện dồn ghép còn 3 điểm trường. Việc dồn ghép điểm trường đã giúp nhà trường chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên đứng lớp, cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng được yêu cầu dạy trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018. Nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Trường Tiểu học Phúc Ninh (Yên Sơn) không ngừng duy trì, củng cố tiêu chí trường chuẩn quốc giatừ năm 2015 đến nay. (Trong ảnh: một giờ học của học sinh lớp 3,trường Tiểu học Phúc Ninh, Yên Sơn).

Để công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt hiệu quả, trong thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học gắn với các giải pháp thực hiện theo từng giai đoạn, lộ trình cụ thể. Các trường học đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, đổi mới công tác quản trị trường học và chất lượng cán bộ, giáo viên... nhằm đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau hơn 20 năm xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống cơ sở vật chất trường học trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, giáo viên được tăng cường đảm bảo về số lượng và chất lượng; chất lượng giáo dục học sinh cũng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 194/478 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt hơn 40%; số lượng trường đạt chuẩn tăng hơn 4 lần so với năm 1997 (năm bắt đầu có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng trường chuẩn quốc gia).

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh đặt mục tiêu nâng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 231 trường, chiếm tỷ lệ trên 48%. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố rà soát, tính toán các đầu điểm xây dựng trường chuẩn quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, xác định rõ các nguồn lực đầu tư có thể bố trí để xây dựng trường chuẩn quốc gia, tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng chức năng cho các trường trong lộ trình theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục toàn diện trên toàn tỉnh…

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-giai-phap-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-124090.html