Nhiều gói thầu của công trình trọng điểm chỉ có một nhà thầu ở vòng tài chính
Liên quan đến lùm xùm sau khi có kết quả đánh giá về kỹ thuật gói thầu 5.10, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngày 16/8 vừa qua Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến với Chính phủ.
Ban Dân nguyện cho rằng, đây là dự án trọng điểm hiện đang được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị được giao để sớm đưa dự án vào khai thác, vận hành nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân. Do vậy, việc tiến hành mời thầu, chấm thầu và công bố các kết quả chấm thầu cần được triển khai hết sức minh bạch, đúng pháp luật để lựa chọn được những nhà thầu có đủ chuyên môn và năng lực, đảm bảo cho công trình có chất lượng, tránh tham nhũng, lãng phí.
Đối với gói thầu trên, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không - CTCP (ACV) với thẩm quyền và trách nhiệm của chủ dự án tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của liên danh dự thầu theo quy định. Tại văn bản này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu ACV không để phát sinh kiến nghị kéo dài và vượt thẩm quyền giải quyết.
Vụ việc được dấy lên ngay sau khi ACV đưa ra thông báo liên danh nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu trên là Vietur. Trong đó đứng đầu liên danh này là Tập đoàn công nghiệp và xây dựng IC Letas của nước ngoài. Việc tiếp tục chỉ có một liên danh vượt được qua vòng chấm điểm dự thầu về kỹ thuật để vào vòng tài chính đã không khiến các đơn vị tham gia trong liên danh dự thầu khác bất ngờ. Bởi thời gian gần đây, nhiều công trình, dự án trọng điểm do ACV đứng ra mời thầu cũng chỉ có một liên danh nhà thầu vượt qua vòng kỹ thuật để vào vòng trong.
Cụ thể, theo thông báo của ACV vào ngày 3/8 về nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu 4.6 thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chỉ có một liên danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu này. Trong thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 12 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 của dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 24/7 vừa qua cũng chỉ có một nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Trước đó, gói thầu thi công xây dựng công trình, cung cấp lắp đặt thiết bị và xây lắp hệ thống cơ, điện thuộc dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 thuộc cảng hàng không quốc tế Phú Bài do ACV làm chủ đầu tư cũng vẫn chỉ có một liên danh vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật. Trong khi đó, gói thầu 5.10 là đấu thầu quốc tế rộng rãi nên chủ đầu tư trước khi quyết định các yếu tố kỹ thuật có điểm liệt hay chưa rõ đều phải công khai yêu cầu phía dự thầu giải thích, cung cấp thêm để đảm bảo tính khách quan.
Kiến nghị với một số cơ quan Trung ương, đại diện một trong số các liên danh tham dự gói thầu 5.10 đặt vấn đề: Trong các thông báo trúng thầu của ACV đối với nhiều gói thầu của các công trình quan trọng, trọng điểm khác thì tên những nhà thầu trong liên danh Vietur lặp đi lặp lại rất nhiều lần, chẳng hạn như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phú Bài, sân bay Cát Bi và ngày tại dự án sân bay Long Thành. Như vậy năng lực của các nhà thầu này có phù hợp với tổng khối lượng công việc mà chủ đầu tư giao trong cùng một thời gian tại nhiều dự án khác nhau hay không? Về giá, cần làm rõ giá dự thầu của đơn vị vượt qua vòng kỹ thuật có bao giờ là giá cạnh tranh nhất hay không, có phải giá trúng thầu luôn tiệm cận với ngân sách được duyệt?
Đại diện liên danh này cũng chỉ ra nguy cơ chuyển nhượng trong nội bộ của liên danh Vietur khi tỉ lệ năng lực dự thầu của từng thành viên trong liên danh này là không tương xứng với tỉ lệ bảo lãnh dự thầu và sự chênh lệch này là rất lớn. Cụ thể, tỉ lệ năng lực dự thầu của doanh nghiệp ngoại đứng đầu liên danh là trên 50%, nhưng giá trị bảo lãnh dự thầu của doanh nghiệp này chỉ là 23%. Ngược lại, có một doanh nghiệp trong liên danh Vietur năng lực dự thầu chỉ là 3,9% nhưng giá trị bảo lãnh dự thầu lên đến 18%.