Nhiều góp ý để TP.HCM dẫn đầu nguồn nhân lực chất lượng cao
Loạt bài của Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến chia sẻ về kỳ vọng và những góp ý về chính sách để TP.HCM thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã triển khai và đăng tải loạt bài TP.HCM quyết tâm về đích chiến lược đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế.
Bên cạnh nội dung đã truyền tải trong loạt bài, chủ đề này còn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ về kỳ vọng và những góp ý chính sách để TP.HCM thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và công nghệ trong giai đoạn mới.
TS PHAN HỒNG HẢI, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM:
3 thách thức cần tháo gỡ khi đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ cao

TS Phan Hồng Hải
Khối ngành công nghệ cao tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang thu hút mạnh mẽ không chỉ với học sinh - sinh viên mà còn cả với đội ngũ giảng viên tâm huyết và xã hội nói chung. Tuy nhiên, ba thách thức lớn nhất chúng tôi đang gặp phải hiện nay, gồm:
Thứ nhất, hệ thống chính sách về mô hình công ty trong trường ĐH còn nhiều bất cập. Trường gặp khó khăn trong việc vận dụng các quy định hiện hành, đặc biệt là việc triển khai các mô hình doanh nghiệp spin-off và start-up, dẫn đến hạn chế khả năng phát triển và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Cạnh đó là quy định viên chức các trường công lập không được làm chủ doanh nghiệp, trong khi các trường lại mong muốn người đứng đầu doanh nghiệp trực thuộc phải là cán bộ trong trường để đảm bảo chuyên môn đặc thù.
Thứ hai, vấn đề về vốn và khả năng huy động vốn đang là thách thức lớn nhất. Do thiếu chính sách rõ ràng và nhất quán, việc huy động và đầu tư tăng vốn cho công ty thuộc trường gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp không thể phân biệt rõ giữa vốn riêng của trường và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, việc định giá tài sản trí tuệ được đầu tư từ ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Các tài sản này thường là những sản phẩm khoa học và công nghệ đặc thù, mà tiềm năng và giá trị chỉ có thể xác định được sau một thời gian dài triển khai trên thị trường. Hệ quả là một số lượng lớn các sản phẩm khoa học công nghệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo bị hạn chế trong việc khai thác, tìm kiếm thị trường và tiếp cận người dùng.
Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, những khó khăn này sẽ dần được tháo gỡ để Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng như các cơ sở đào tạo nói cũng đạt được những thành quả tương xứng với nguồn đầu tư, đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, cũng như kỳ vọng đặt ra.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hành ở phòng thí nghiệm về robot hiện đại vừa được trường đầu tư và đưa vào sử dụng. Ảnh: ICC
PGS.TS BÙI QUANG HÙNG, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM:
Cần chính sách hỗ trợ để giảm khó khăn về tài chính cho người học

PGS.TS Bùi Quang Hùng
Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, theo tôi, bên cạnh nỗ lực nội tại của trường, TP.HCM cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi mong muốn tiếp tục được sự quan tâm, đầu tư của TP và sự đồng hành, hỗ trợ từ các bên liên quan để chia sẻ những khó khăn về nguồn lực tài chính cho người học.
Bởi nếu có sự tăng cường tài trợ về học bổng, chi phí, SV sẽ có thêm điều kiện và động lực để tham gia các chương trình trao đổi quốc tế, chương trình liên kết quốc tế, chương trình thực tập tại các doanh nghiệp, định chế nước ngoài, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, để có thể tự tin làm việc trong môi trường quốc tế sau này .
GS.TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM:
TP.HCM cần đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng để các trường đào tạo

GS.TS Ngô Thị Phương Lan
Chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế mang lại lợi ích vượt trội cho tất cả các bên tham gia.
Trong đó, sinh viên có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, với kiến thức chuyên sâu và kỹ năng hiện đại, giúp họ có năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cao trong công việc, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung, tạo ra những giá trị lợi ích bền vững cho cộng đồng, xã hội. Cơ sở đào tạo cũng được nâng cao vị thế và uy tín trong đào tạo.
Tuy nhiên, TP.HCM cần đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng nguồn nhân lực ở những ngành thí điểm này để giúp các trường thuận lợi hơn trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu.
TS QUÁCH THANH HẢI, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM:
Sáu kế hoạch để hiện thực hóa mô hình đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế

TS Quách Thanh Hải
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang triển khai thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Cơ khí - Tự động. Để hiện thực hóa mô hình này, chúng tôi đã đặt ra 6 kế hoạch cụ thể sẽ làm sắp tới. Cụ thể:
Thứ nhất, trường sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị phòng thí nghiệm và thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, rà soát, cập nhật định kỳ chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của ngành, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, sinh viên sẽ được đào tạo tăng cường về ngoại ngữ, kỹ năng mềm và hội nhập quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu.
Thứ ba, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ và chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển mô hình các nhóm nghiên cứu trọng điểm nhằm tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, mở rộng quan hệ với các tập đoàn lớn nhằm hỗ trợ sinh viên trong thực tập, nghiên cứu và tiếp cận công nghệ mới.
Thứ sáu, tăng cường chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phần mềm mô phỏng và công nghệ số vào quá trình giảng dạy.
Tuy nhiên, cũng với nỗ lực của trường, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT và UBND TP.HCM trong việc tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
Sinh viên mong được trải nghiệm thực tế và giao lưu quốc tế nhiều hơn
Sinh viên Nguyễn Hoàng Tuyên
Em chọn học chương trình này vì thấy phù hợp với định hướng của bản thân và được đảm bảo về cơ hội nghề nghiệp.
Ban đầu, em cũng lo lắng và lúng túng khi xác định tâm thế học vì chương trình mới nên không có sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Cạnh đó, mặc dù em đạt trình độ tiếng Anh đầu vào nhưng vẫn khiến em gặp khó khi sử dụng vào chuyên ngành kinh tế. Tuy nhiên, đó cũng là động lực để chúng em cố gắng học, nâng cao hiểu biết của bản thân và tiếp cận với kiến thức tinh hoa của thế giới.
Em kỳ vọng khi theo học chương trình này sẽ có những cơ hội để trải nghiệm thực tế nhiều hơn, được tham quan, học hỏi với những doanh nghiệp bên ngoài và trao đổi với bạn bè quốc tế để gia tăng kiến thức và kinh nghiệm, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho sự nghiệp trong tương lai.
Sinh viên năm nhất NGUYỄN HOÀNG TUYÊN, Lớp thí điểm chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng, ĐH Kinh tế TP.HCM.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-gop-y-de-tphcm-dan-dau-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post844670.html