Nhiều hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia
Rượu, bia là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, tử vong trên toàn thế giới. Việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây tổn thất rất lớn về kinh tế mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông hoặc dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại như: tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật (cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm)…
Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Đồng thời việc sử dụng rượu, bia cũng khiến gia tăng bạo lực. Đặc biệt giới trẻ sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng.
* Uống rượu, bia gia tăng bạo lực
Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia là dễ dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là trong giới trẻ. Khi sử dụng rượu, bia, dù chỉ gặp mâu thuẫn nhỏ nhưng do người trẻ nóng vội, không kiềm chế được cảm xúc, dễ dẫn đến những hành vi bạo lực, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.
BS CKII Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng rượu, bia rất phổ biến, không ít người còn lạm dụng rượu, bia dẫn đến nghiện. Trong năm 2020, trung bình có khoảng 500-600 người cấp cứu, chữa trị tại khoa thì có khoảng 150-200 người bệnh là do nghiện rượu, bia.
Cụ thể như vào ngày 23-4, trong khi nhậu, chỉ vì tranh giành hát karaoke giữa Nguyễn Thanh Thơ (18 tuổi), Nguyễn Văn Thịnh (19 tuổi, và Hoàng Văn Phúc (17 tuổi), Nguyễn Hoàng Long (18 tuổi), cùng ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc mà hai bên đã xảy ra mâu thuẫn xô xát nhau dẫn đến việc Thơ, Thịnh về nhà lấy hung khí đến đánh chém Phúc và Long. Hậu quả khiến Phúc tử vong, Long bị thương nặng, còn Thơ, Thịnh phải vào tù.
Thậm chí có nhiều đối tượng sau khi sử dụng rượu, bia đã không làm chủ được hành vi, không chấp hành hiệu lệnh của cơ quan chức năng và tham gia tấn công cả lực lượng đang làm nhiệm vụ. Điển hình ngày 10-4, sau khi uống rượu thì có nhóm 6 đối tượng cùng ngụ tại H.Trảng Bom đã tham gia đánh anh H.L (21 tuổi, quê Sóc Trăng). Sau khi được đại úy Phạm Hồng Quán, cán bộ Đồn Công an Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) ngăn cản thì nhóm thanh niên này đã tấn công luôn đại úy Quán gây thương tích. Ngay sau đó, 6 đối tượng đã bị bắt giữ vì hành vi chống người thi hành công vụ.
Việc sử dụng rượu, bia khi lái xe cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Điển hình là vào tháng 4-2020, anh N.V.B. (ngụ H.Định Quán) điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu với nồng độ cồn vượt mức quy định đã đụng vào đuôi xe ô tô của anh Nguyễn Sỹ Nguyên (41 tuổi, ngụ TT.Định Quán) đang dừng ở chân cầu La Ngà (xã Phú Ngọc, H.Định Quán), có sáng đèn báo nguy hiểm. Vụ tai nạn khiến anh B. tử vong, còn tài xế Nguyên phải lãnh 1 năm tù cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
* Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhân cách
Việc lạm dụng rượu, bia cũng dẫn đến tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người sử dụng. Tình trạng ngộ độc rượu, bia ở những mức nặng, nhẹ khác nhau cũng diễn ra khá phổ biến, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Điển hình như tháng 1-2021, một thanh niên tại tỉnh Hưng Yên bị tử vong do uống quá nhiều rượu dẫn đến tổn thương não nặng không thể phục hồi.
Tại Đồng Nai tình trạng sử dụng rượu bia khi điều khiển giao thông diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2021, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ hơn 600 phương tiện và xử phạt ước tính lên đến gần 4 tỷ đồng.
BS CKII Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, việc lạm dụng rượu, bia có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, gây ra các bệnh về tim mạch, dạ dày, tiêu hóa… và nhất là tác động rất lớn đến hệ thần kinh, dẫn đến các bệnh rối loạn tâm thần, gây chết các tế bào não, gây teo não, mất trí nhớ… Ngoài ra, việc lạm dụng rượu, bia tác động xấu đến kinh tế do việc dùng rượu, bia gây bê trễ về công việc, thất nghiệp, giảm chất lượng trong công việc; gây chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự; thậm chí dẫn đến tình trạng bị biến đổi nhân cách…
“Ngoài những ảnh hưởng xấu nêu trên thì người nghiện rượu, bia khi ngưng không còn sử dụng sẽ xuất hiện hội chứng cai như: bị bồn chồn, lo lắng, khó chịu, mất ngủ, run tay chân, đi đứng chậm chạp, xiêu vẹo, xuất hiện ảo giác lạ; rơi vào trạng thái hoảng loạn, kích động, mê sảng, co giật, quậy phá hoặc có thể tự tử” - BS Nguyễn Lợi cho biết.
Giải pháp điều trị hội chứng cai hiệu quả nhất là cần ngưng sử dụng rượu, bia. Trường hợp không thể ngưng do công việc hoặc giao tiếp thì phải hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất. Trường hợp bị rối loạn về tâm thần thì cần được đưa đến bệnh viện để khám và chữa trị.
* Thực hiện hiệu quả Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Trao đổi về tác hại của nghiện rượu, bia, ông Phan Văn Hậu, Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng rượu, bia trước khi gây án diễn ra rất nhiều, khoảng 40% trên tổng số tội phạm. Tập trung chủ yếu ở các tội xâm phạm trật tự xã hội như: giết người, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về tham gia giao thông…
Điều 13, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Ông Hậu phân tích, trên thực tế, những người này là người có năng lực trách nhiệm hình sự, việc mất, hạn chế năng lực do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích là do họ tự đặt mình vào trong trường hợp đấy. Người phạm tội hoàn toàn ý thức được hành vi của mình.
Do đó theo ông Hậu, uống rượu, bia khi gây án không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong một số trường hợp, việc sử dụng rượu, bia khi gây án là tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng ở một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội khi sử dụng rượu, bia vẫn phải chịu trách nhiệm là biểu thị sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này; đồng thời có tác dụng trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Đây là nội dung quan trọng, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu, phòng tránh.
Để phòng ngừa hậu quả do rượu, bia gây ra, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2020); Chính phủ cũng ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt… Các quy định này đang từng bước đi vào cuộc sống, bước đầu đã có tác động tích cực đến việc điều chỉnh hành vi theo hướng không sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống cần tuyên truyền có hiệu quả, đồng bộ, sinh động từ các cơ quan chức năng để người dân hiểu rõ các quy định; đồng thời cần có các quy định hướng dẫn chi tiết để nhận diện như thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc… góp phần điều chỉnh hành vi, thói quen tiêu cực trong việc nhậu nhẹt (ép buộc, kích động...) và ngăn chặn kịp thời các trường hợp sử dụng rượu bia quá đà, gây ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và xã hội.