Nhiều hình thức hỗ trợ người dân mua sắm
Phân vạch, kẻ ô sân bóng, công viên hoặc sảnh chung cư tạo thành 'chợ dã chiến' được một số nơi ở TP Hồ Chí Minh thực hiện; một số hình thức mua sắm khác cũng đã được triển khai. Đó là cách hỗ trợ người dân mua sắm thực phẩm dễ dàng, thuận lợi hơn trong những ngày giãn cách xã hội…
Trưa ngày 3/8, tại chung cư Lê Thành ở phường An Lạc, quận Bình Tân, cư dân vui mừng khi xe bán hàng lưu động của siêu thị Aeon vào tận sảnh để cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu. Một chiếc xe tải lớn chở theo nhiều mặt hàng với giá bình ổn được nhân viên bày biện ngay sảnh chung, khu “chợ dã chiến” được thành lập chớp nhoáng, mua bán theo quy trình một chiều luôn bảo đảm giãn cách.
Chủ tịch UBND phường An Lạc, Tô Hoàng Giang cho biết: “Những chuyến xe bán hàng lưu động vào khu dân cư sẽ hỗ trợ người dân thuận tiện mua sắm. Chúng tôi khuyến khích người dân có thể hỗ trợ nhau bằng cách đi chợ giúp, đi chợ hộ để hạn chế ra đường không cần thiết và tập trung đông người”…
Lần đầu người dân xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi được đi mua sắm tại “chợ dã chiến” ở công viên. Đây là một trong những điểm bán hàng được chính quyền huyện Củ Chi tổ chức để bán thực phẩm tươi sống, an toàn đến người dân trong giai đoạn toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiều chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Từ 6 giờ sáng, người bán hàng vận chuyển hàng hóa tới “chợ”, niêm yết giá rõ ràng để người dân dễ mua. “Chợ” có trung bình 11 sạp hàng được bố trí cách nhau 5 m. Quầy sạp có mái che được dựng lên theo từng ô vạch, tiểu thương trang bị thêm màng ngăn để hạn chế tiếp xúc với khách hàng. Người dân có phiếu đi chợ được vào mua sắm trong khung giờ quy định từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần.
Chị Thu Hảo, một người dân ở khu vực này cho hay: “Trong thời gian giãn cách người dân trong xã không thể sang địa bàn khác mua thực phẩm. Toàn xã chỉ có ba siêu thị, không có chợ truyền thống cho nên dù có xếp hàng chờ đến lượt cũng khó mua. Từ ngày có khu “chợ dã chiến” này, chúng tôi mua được thực phẩm thiết yếu nhanh chóng, an toàn, rất phấn khởi”.
Trên địa bàn huyện Củ Chi còn có hai xã khác là Hòa Phú và Nhuận Đức mở “chợ dã chiến”. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh An, Trần Cẩm Thanh cho biết: “Tiểu thương được chính quyền xã miễn toàn bộ chi phí thuê sạp, đồng thời được xét nghiệm Covid-19 định kỳ ba ngày một lần trong thời gian bán hàng. Mỗi gian hàng có diện tích khoảng 40 m2, hàng hóa bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 400 đến 500 lượt người dân đến chợ mua sắm”.
Tại quận 12, hai điểm bán tương tự cũng đã đi vào hoạt động. Ngoài “chợ dã chiến”, hình thức mua chung, mua theo combo trọn gói… cũng được tổ chức ở nhiều nơi. Chị Thu Thanh, ngụ quận 7, trở thành đầu mối nhóm mua chung rất tình cờ. Xuất phát từ nhu cầu của gia đình, chị nhờ người nhà ở Bến Tre mua thực phẩm gửi lên để sử dụng trong những ngày thành phố giãn cách. “Khi biết dưới quê nhiều nông sản, thực phẩm giá rất rẻ nhưng bị tắc đầu ra, tôi rủ thêm một số bạn bè cùng mua và trở thành đầu mối lúc nào chẳng hay. Tôi đem đến cho mọi người trong nhóm mua chung đủ loại rau tươi với giá hợp lý. Đây là nhóm mua để hỗ trợ nhau trong mùa dịch chứ không lấy lời”, chị Thu Thanh bộc bạch.
Tại số 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), mô hình siêu thị Foodshare (siêu thị thực phẩm chia sẻ) đã bán nhiều combo thực phẩm đồng giá không lợi nhuận. Các combo có giá 20.000 đồng và 30.000 đồng/kg rau, củ đủ loại; trứng gà 30.000 đồng/vỉ 10 trứng và thịt heo 130.000 đồng/kg… cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Ngoài việc bán đồng giá bình ổn, chương trình còn có những combo miễn phí dành cho người khó khăn từ nguồn đóng góp thiện nguyện. Anh Nguyễn Tuấn Khởi, phụ trách chương trình cho biết, đây là mô hình bán thực phẩm bình ổn trong chương trình của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ tập trung vào dạng bán combo túi/hộp thực phẩm có thể dùng trong 3 đến 5 ngày, hoặc một tuần với mức giá bình ổn thấp nhất…
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện chỉ còn 27 chợ truyền thống hoạt động, do vậy, sở ủng hộ việc thành lập các “chợ dã chiến” nhưng hoạt động phải tuân thủ chặt chẽ công tác phòng, chống dịch. Các địa phương chủ động tìm kiếm các khu vực đất trống, rộng rãi để thiết kế và bố trí các điểm bán thực phẩm thiết yếu; “chợ dã chiến” cần được kẻ ô, có giãn cách, phân lối đi.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công thương đã có văn bản kèm sơ đồ mẫu hướng dẫn mô hình tổ chức bán thực phẩm tươi sống an toàn đến các quận, huyện để tham khảo. Một số địa phương như huyện Củ Chi, quận 12 tổ chức khá tốt mô hình này; một số quận, huyện cũng đã rà soát, đánh giá, mở cửa hoạt động trở lại một số chợ truyền thống để bán thực phẩm cho người dân…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/nhieu-hinh-thuc-ho-tro-nguoi-dan-mua-sam-658520/