Nhiều hộ dân khốn khổ với tuyến công nghiệp Cổ Chiên
Đất đai lâm cảnh bỏ hoang, người dân phải sống tạm bợ trong những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng… Đó là thực trạng đang diễn ra ở làng gốm Cổ Chiên (xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long).
Đất vườn bỏ hoang, nhà không sửa được
Hơn 100 năm nay, người dân sống dọc sông Cổ Chiên (thuộc H.Long Hồ và Mang Thít, tỉnh Vong Long) được thiên nhiêu ưu đãi nên ngoài phát triển nông nghiệp họ còn sản xuất gốm, làm cho cuộc sống của biết bao gia đình trở nên sung túc.
Tuy nhiên, từ khi có những quyết định thu hồi đất tập thể vào năm 2003 để phục vụ cho tuyến công nghiệp Cổ Chiên, nhiều hộ dân ở ấp Sơn Đông (xã Thanh Đức, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) rơi vào cảnh cùng cực và kiệt quệ.
Nhìn lên trần nhà xập xệ, lủng nhiều lỗ, ánh sáng soi vào bên trong, ông Quan Tứ Cao (60 tuổi) đau khổ nói: “Gia đình tôi hiện 10 người chui vào chui ra trong căn nhà này, sửa không dám sửa, vì đất hiện đã giao cho doanh nghiệp làm dự án. Doanh nghiệp được cấp đất trên khu vực đất của tôi cũng đã có sổ và hiện đang thế chấp ngân hàng”.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 16-10-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định số 3565/QĐUB về việc phê duyệt phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng xây dựng khu 4 - tuyến công nghiệp (TCN) Cổ Chiên.
Sau đó, đến 9-4-2004 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ban hành quyết định 908/QĐ-UB để thu hồi hơn 30 héc-ta đất tại xã Thanh Đức (H.Long Hồ) và xã Mỹ An (H.Mang Thít) cho Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) Vĩnh Long quản lý.
Trong diện tích thu hồi trên có hơn 5.000 m2 là đất của ông Cao và các anh em đã sinh sống đến nay 6 thế hệ. Đến ngày 18-3-2008, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ban hành Quyết định số 437/QĐ-UB thống nhất bảng tổng hợp sanh sách các trường hợp thu hồi đất theo các quyết định số 3142/QĐ-UB vào ngày 23-9-2003, quyết định 908 và 909/QĐ-UB ngày 9-4-2004. Kèm theo đó là bảng tổng hợp danh sách các trường hợp thu hồi đất do Sở Tài nguyên môi trường lập ngày 3-3-2008.
Biết được sự việc trên, ông Cao và nhiều hộ dân đã khiếu nại từ cấp địa phương cho đến trung ương nhưng không có kết quả. Đến năm 2011, sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, ông cùng 8 hộ dân khác khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy bỏ một phần quyết định số 3565/QĐ-UB vì nội dung bồi thường giá quá thấp. Cụ thể, đối với giá đất thổ cư chỉ hơn 40 ngàn đồng/m2.
Phản hồi những ý kiến trên, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thời điểm ấy có công văn phúc đáp việc thu hồi đất của ông Cao là đúng trình tự thủ tục pháp luật theo luật Đất đai năm 1993, được sửa đổi và bổ sung năm 2001. Do đó, việc ông Cao yêu cầu hủy phần đất của ông ra khỏi diện tích bị thu hồi là không đúng quy định pháp luật.
Sau 2 phiên tòa sơ thẩm bị thua kiện, ông Cao cùng các hộ khác tiếp tục kháng cáo lên TAND tối cao tại TPHCM. Tháng 5-2014, bản án của TAND tối cao tuyên hủy bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long và trả hồ sơ giải quyết lại. Đến nay vụ việc này vẫn chưa đi đến hồi kết.
Ông Cao và nhiều hộ dân cho biết: Đến nay Ban QLCKCN vẫn chưa tiếp xúc bàn bạc thỏa thuận với một số người dân có quyền sử dụng đất ở đây. UBND H.Long Hồ cũng chưa có quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân theo quy định. Việc quy hoạch khu 4 – TCN Cổ Chiên đến nay kéo dài đến nay gần 2 thập kỷ, trở thành quy hoạch treo gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân, trong đó nhiều hộ làm gốm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, còn 9 hộ vẫn chưa nhận tiền bồi thường của khu 4 – TCN Cổ Chiên gồm hộ: Tào Thị Xíu Bông, Nguyễn Thị Tuyết Tâm, Quan Thị Ba, Quan Phát Cao, Quan Tước Anh, Nguyễn Hồng Cúc, Quan Tứ Cao, Quan Thị Nhỏ, Quan Bỉnh (ngụ cùng địa phương).
Cấp cho doanh nghiệp để… cầm cố ngân hàng
Sự việc chưa ngã ngũ, Công ty TNHH MTV Biofeed 2 (do ông Trương Thanh Phương làm giám đốc) được UBND tỉnh Vĩnh Long giao diện tích hơn 3 héc-ta của các hộ dân trên để triển khai dự án sản xuất thức ăn cho cá. Tuy nhiên ông Phương không triển khai xây dựng mà đem thế chấp ngân hàng để vay số tiền nhiều tỷ đồng.
Đến nay đã gần 10 năm, chủ công ty trên không triển khai dự án như cam kết đầu tư ban đầu. Hiện ông Phương đã bị phía ngân hàng khởi kiện ra TAND TP.Vĩnh Long vì mất khả năng thanh toán. Tổng số nợ gốc và lãi của công ty Biofeed 2 đến ngày 12-3-2019 là gần 40 tỷ đồng.
Cầm xấp hồ sơ dày cộm, ông Quan Phát Cao nói: “Đến giờ chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi. Suốt mười mấy năm qua không một ngày ngủ ngon vì chưa an cư sao lạc nghiệp được. Một số thành viên tham gia vụ này nay cũng đã chết”.
Ông Phạm Thành Khôn - Trưởng ban QLCKCN tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc thu hồi đất và thực hiện cấp quyền sử dụng đất đều do Sở TN-MT. Đơn vị chỉ là đơn vị thụ hưởng, giao đất sạch thì triển khai dự án. Việc thu hồi đất đã giao về cho UBND H.Long Hồ và UBND H.Mang Thít. Hiện nay các huyện tiếp tục vận động người dân giao đất...
Ông Trương Văn Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng và môi trường Ban QLCKCN Vĩnh Long cho biết: TCN Cổ Chiên có 2 khu vực là 4 và 5. Khu vực 4 gồm H.Long Hồ và một phần H.Mang Thít) với 150 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích khoảng 3 héc-ta. Đến nay, H.Long Hồ còn 20 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
“Ngay từ đầu tiên triển khai áp giá bồi thường, người dân cho rằng quá rẻ nên không nhận tiền. Khu vực này giải tỏa chậm nên doanh nghiệp không thực hiện dự án, cũng như xây nhà xưởng. Vấn đề tồn tại là doanh nghiệp chờ đất, còn dân khiếu nại chờ bồi thường. Đó là vấn đề nóng hiện nay” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Phóng viên tìm đến Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long để làm rõ hơn việc người dân hiện giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang canh tác nhưng UBND tỉnh lại có quyết định cấp chủ quyền cho doanh nghiệp, rồi đơn vị này đưa đi thế chấp ngân hàng dẫn đến bị kiện ra tòa. Ông Phan Huy Dũng – Chánh văn phòng Sở TN-MT đề nghị phóng viên để lại câu hỏi và sẽ trình lãnh đạo rồi có ý kiến trả lời bằng văn bản.
Còn theo ông Lê Quang Trung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thì không biết việc này và sẽ cho kiểm tra trả lời báo chí sau.