Nhiều hồ đập có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ tại Bắc Kạn
Nhiều công trình hồ, đập của tỉnh Bắc Kạn hiện rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn khi mưa lũ xảy ra. Tuy nhiên, việc khắc phục, sửa chữa các công trình này gặp khó khăn do thiếu kinh phí.
Trong số gần 400 công trình hồ, đập do công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn quản lý, có nhiều công trình được xây dựng cách đây 50 - 60 năm. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện có tới 9 công trình không đảm bảo an toàn, trong đó có một số công trình thân đập chỉ được đắp bằng đất, cống lấy nước hư hỏng gây mất an toàn trong vận hành và mất khả năng điều tiết nước. Đầu năm 2023, công trình đập Khuổi Cuộn, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới đã phải ngưng tích nước do thân đập bị sụt lún, nhà van bị nghiêng và có nguy cơ sập đổ.
Bà Đào Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn cho biết: Để khắc phục hoàn toàn các công trình hư hại, xuống cấp cần số kinh phí ước tính lên đến 170 tỉ đồng, nhưng thực tế mỗi năm đơn vị chỉ có khoảng 3 tỉ đồng cho các chi phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tất cả các công trình.
Bà Đào Thị Nguyệt cho biết: "Trước mùa mưa lũ, công ty đã đi kiểm tra. Dù công trình xuống cấp, hư hỏng, không an toàn nhưng do năm nay mưa thấp hơn trung bình mọi năm, nguồn nước cạn kiệt nên các công trình vẫn phải vận hành để đảm bảo cấp nước. Về kinh phí sửa chữa hàng năm công ty cũng chỉ có thể bố trí sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đáp ứng nhu cầu nhân dân, các công trình sửa chữa lớn đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan xem xét bố trí nguồn kinh phí, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể bố trí được”.
Không chỉ trong tình trạng hư hại, xuống cấp mà phần lớn công trình hồ đập tại Bắc Kạn không có các thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố ngoại trừ hồ chứa nước Nặm Cắt (xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn) quy mô 12 triệu m3 nước mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Lê, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai- Chi cục Thủy lợi Bắc Kạn cho biết thêm: “Tỉnh đã thành lập hội đồng đánh giá an toàn hồ đập, mỗi năm kiểm tra 2 lần trước và sau mùa mưa lũ để có phương án xử lý, ứng phó kịp thời, cụ thể cho từng công trình. Ví dụ hồ không đảm bảo sẽ không tích nước, công trình hư hại sẽ cho khắc phục, phát dọn cây cỏ… Khó khăn hiện nay đó là nhiều nội dung an toàn hồ chứa theo quy định tại Nghị định 114 của Chính phủ không thực hiện được do các công trình của Bắc Kạn còn nhỏ, lẻ, phân tán, nhiều công trình không còn hồ sơ và nữa là thiếu kinh phí nên các quy định kiểm định, đảm bảo an toàn chưa thể thực hiện được”
Ngoài thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi và hệ thống hồ đập, hiện tỉnh Bắc Kạn cũng còn khoảng 460 điểm với hơn 2.300 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng chưa có kinh phí để khắc phục hoặc di dời người dân đến nơi an toàn./.