Nhiều hộ nuôi tôm gặp khó
Thời điểm này, nông dân nuôi cá, tôm nước lợ tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch bắt đầu thả giống cho vụ Tết Nguyên đán 2024. Tình hình thời tiết, môi trường vụ này không thuận lợi bằng các vụ khác trong năm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm nước lợ như tôm thẻ, tôm sú bán ra thường ở mức thấp khiến người nuôi thua lỗ. Dự báo về thị trường cuối năm cũng khó hơn mọi năm nên nhiều hộ nuôi giảm diện tích, thậm chí ngưng nuôi vụ Tết.
* Năm khó khăn cho người nuôi tôm
Theo những người nuôi thủy sản nước lợ tại các huyện Nhơn Trạch và Long Thành, từ đầu năm đến nay, hoạt động nuôi thủy sản nước lợ gặp nhiều khó khăn do giá bán từ tôm đến cá đều thấp hơn mọi năm. Đa số người nuôi đều thua lỗ vì chi phí đầu tư không ngừng tăng cao, trong khi giá tôm, cá bán ra thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm.
Theo người nuôi tôm tại các huyện Long Thành và Nhơn Trạch, khó khăn lớn nhất của bà con nông dân nuôi tôm hiện nay là thị trường tiêu thụ con tôm tại các địa phương do một vài thương lái thao túng. Các vùng nuôi tôm chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Người dân mong được hỗ trợ kết nối về đầu ra để yên tâm đầu tư sản xuất.
Bà Nguyễn Kim Phụng, nông dân nuôi tôm tại xã Long Phước (H.Long Thành) so sánh, so với năm ngoái, giá thức ăn cho tôm, cá hiện tăng từ 3-5 triệu đồng/tấn, các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho tôm tăng thêm khoảng 30%. Trước đây, giá thành nuôi 1kg tôm thẻ chỉ khoảng 80 ngàn đồng thì nay tăng lên 110-120 ngàn đồng. Trong khi giá tôm bán ra loại tuyển cũng không vượt quá 120 ngàn đồng/kg, hộ nào nuôi đạt lắm cũng chỉ huề vốn, còn đa số đều rơi vào cảnh thua lỗ. Không chỉ tôm rớt giá mà các loại cá như: cá chẽm, cá dứa… giá bán đều thấp hơn từ 30-60 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nhiều hộ nuôi tôm lỗ vốn chuyển sang nuôi cá nước lợ lại càng thua lỗ, khiến nhiều hộ nuôi phải “treo ao”, ngưng thả lứa giống mới.
Theo nông dân nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn tỉnh, những tháng cuối năm, thời tiết giao mùa lúc nóng, lúc lạnh, không thuận lợi cho cá, tôm phát triển. Nhưng nhiều hộ vẫn đầu tư mạnh cho vụ nuôi cuối năm, vì kỳ vọng sẽ bán được tôm với giá tốt vào mùa thị trường tiêu thụ cao nhất trong năm. Tuy nhiên, tình hình thị trường năm nay khó dự báo hơn mọi năm khiến người nuôi cũng e dè đầu tư vụ mới.
Ông Nguyễn Huy Bình, nông dân nuôi tôm tại xã Phước An (H.Nhơn Trạch) cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều đợt vào vụ thu hoạch, giá tôm giảm sâu nhưng vẫn bán chậm khiến nhiều hộ nuôi tôm không có lợi nhuận. Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu tôm gặp khó khăn.
* Không dễ chuyển đổi đầu tư
Nhằm phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng bền vững, các địa phương có lợi thế nuôi tôm và thủy sản nước lợ như Long Thành, Nhơn Trạch đang khuyến khích người nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước (H.Long Thành) Quảng Đình Nghĩa nhận xét, sau đại dịch Covid-19, nhiều hộ nuôi tôm tại địa phương “treo ao” vì thua lỗ và đầu ra khó khăn. Năm trước, thị trường khởi sắc nên nhiều hộ nuôi thủy sản ở vùng này đầu tư trở lại, nhưng lại gặp khó do chi phí đầu vào đều tăng cao khiến các mô hình nuôi tôm quảng canh hoặc nuôi tôm thâm canh theo kiểu truyền thống khó đạt lợi nhuận. Địa phương đang hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh, đạt năng suất cao, cho lợi nhuận tốt. Toàn xã hiện có khoảng 100ha nuôi thủy sản, trong đó có khoảng 22ha đã chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi thâm canh. Tuy nhiên, mô hình này không dễ nhân rộng vì cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh cũng là nguyên nhân khiến người nuôi thủy sản chưa mạnh dạn chuyển đổi.
Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân chia sẻ, toàn huyện có 1.769ha nuôi thủy sản nước lợ, trong đó có 333ha nuôi thâm canh. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản chiếm hơn 44,7% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đó, địa phương rất quan tâm đầu tư hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh. Đến nay, toàn huyện có 171ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất cao, lợi nhuận tăng hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống. Tuy nhiên, mô hình này vẫn khó nhân rộng do những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng cao gây khó khăn cho nuôi tôm công nghiệp. Chi phí đầu tư chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao cần vốn lớn cũng là bài toán khó với nông dân.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/nhieu-ho-nuoi-tom-gap-kho-baf5e12/