Nhiều hỗ trợ giúp người khuyết tật Thủ đô có việc làm
Dù có khiếm khuyết trên cơ thể, song với ý chí và nghị lực, nhiều người khuyết tật đã có ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nhiều mô hình của người khuyết tật không chỉ tạo cơ hội việc làm ổn định mà còn giúp họ tự tin đóng góp cho xã hội.
“Tái chế tuần hoàn rác thải nhựa” là ý tưởng khởi nghiệp của Chi hội phụ nữ khuyết tật quận Bắc Từ Liêm. Tận dụng các phế liệu như vỏ lon, chai nhựa, Chi hội phụ nữ khuyết tật quận Bắc Từ Liêm đã tái chế ra các sản phẩm cây cảnh bonsai, hoa lá, vật dụng trang trí trong gia đình, trường học hoặc nơi công sở.
Dự án tái chế tuần hoàn rác thải nhựa đã tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, đồng thời đã lan tỏa ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường. Dự án được nhận giải ba cấp Trung ương vòng thi chung khảo cấp vùng phía Bắc.
Bị khuyết tật vận động nhưng không chịu đầu hàng số phận, anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn ART, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông đã thành công với ý tưởng biến vải vụn thành tranh, tạo việc làm cho cho 22 người khuyết tật với thu nhập từ 1,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng. “Tàn nhưng không phế”, với sự tỉ mẩn, cần cù của người khuyết tật đã tạo ra các sản phẩm độc đáo đạt chuẩn OCOP bốn sao được người tiêu dùng trong nước và thế giới đón nhận, trân trọng.
Hà Nội hiện có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là việc làm cần thiết nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.