Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 2023
Nhân dịp Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023 với chủ đề Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị', các tỉnh thành phố trên cả nước đã có nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi. Tất cả đều mang tinh thần chung phù hợp mục đích, ý nghĩa của Ngày.
Năm 2023, Ngày chuyển đổi số Quốc gia lựa chọn chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy chính quyền, nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, xây dựng nền tảng số phục vụ người dân, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội, có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Phú Thọ xây dựng kế hoạch hưởng ứng
Sở Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch số 67/KH-STTTT ngày 18/8/2023 về hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 với mục đích tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của công cuộc chuyển đổi số. Các nội dung chủ yếu bao gồm công tác truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; Tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023, Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2023 và Tổ chức các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số.
Thời gian thực hiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 từ cuối tháng 8/2023 đến hết tháng 10/2023, trọng tâm là từ ngày 15/9/2023 đến ngày 15/10/2023.
Bắc Ninh phát động Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023
Ngày 9/10, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị phát động ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Theo báo cáo của Sở, Bắc Ninh đã đạt 16/36 chỉ tiêu Kế hoạch của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh năm 2023 đề ra. Tỷ lệ trung bình về xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp tỉnh đạt 95,69%
Bắc Ninh xếp thứ 07 cả nước với giá trị đạt 0,6736, giảm 3 bậc nhưng tăng 0,146 giá trị so với năm 2021 theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022 (DTI). Bên cạnh đó tình đã hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 5/2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương triển khai chức năng ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở TT&TT với Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và công bố chỉ số Chuyển đổi số các sở, ngành, địa phương tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh lưu ý việc thực hiện chuyển đổi số là quá trình lâu dài, duy trì thường xuyên và phải gắn kết với tăng trưởng xanh.
Bắc Ninh tăng cường ứng dụng, sử dụng hiệu quả các ứng dụng, nền tảng dùng chung của tỉnh; nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, thanh toán trực tuyến; giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên ứng dụng phản ánh kiến nghị.
Quảng Nam chính thức vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu
Chiều 9/10, nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Quảng Nam đã tổ chức Khánh thành Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, Mạng diện rộng (SDWAN) và Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC).
Trung tâm Tích hợp dữ liệu là công trình thuộc Dự án xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kinh phí thực hiện công trình gần 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương, do Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Trung tâm giám sát an toàn thông tin phục vụ phát hiện sớm, cảnh báo sớm và điều phối, xử lý sớm các nguy cơ, sự cố an toàn thông tin trên địa bàn toàn tỉnh cũng như phối hợp với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin trên địa bàn cả nước. Hệ thống được kết nối vào hạ tầng mạng của Trung tâm dữ liệu và kết nối tới hơn 100 điểm hệ thống mạng của HĐND/UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, Ban, Ngành thông qua môi trường mạng diện rộng SD-WAN toàn tỉnh.
Ngoài ra, trung tâm giám sát an toàn thông tin tập trung của tỉnh sẽ thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu an toàn thông tin liên quan cũng như tiếp nhận các thông tin cảnh báo theo quy định với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng Quốc gia (NCSC) thông qua các kết nối tập trung (LGSP-NGSP) hoặc phân tán (DXL).
Thanh Hóa tuyên dương các công trình ứng dụng chuyển đổi số
Chiều 9/10, Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức tuyên dương các công trình, sản phẩm ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tiêu biểu do đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối thực hiện.
Giấy khen đã được trao cho 20 tác giả, nhóm tác giả đã có các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số do đoàn viên, thanh niên Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thực hiện tại các cơ quan, doanh nghiệp, giai đoạn 2021-2023.
TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện và Tuần lễ Chuyển đổi số
Thực hiện Quyết định số 1080/QĐ-BTTTT ngày 21/6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023; Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 (10/10/2023). Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 4093/KH-UBND ngày 25/8/2023 của UBND TP.HCM về tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 tại Thành phố.
Trong hai ngày 17 - 18/10/2023, Tuần lễ Chuyển đổi số TPHCM chính thức khai mạc. Chương trình do UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, cùng sự tham gia của các sở ban ngành, UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện, Thành đoàn và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong tuần lễ sẽ có các hội thảo về Chương trình Chuyển đổi số và Đô thị thông minh của TPHCM năm 2023; sự kiện công bố các nền tảng số của Thành phố; triển lãm các nền tảng, dịch vụ và giải pháp số tiêu biểu.
Các chuỗi hoạt động, sự kiện được tổ chức dịp này gồm: Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, thi đua; các hoạt động, sự kiện trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; Hội thi Thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI Challenge); chuỗi hoạt động, sự kiện hưởng ứng "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số"; chuỗi hoạt động, sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TPHCM; các hoạt động hưởng ứng của các cơ quan, địa phương tại TPHCM.
Bên cạnh các hoạt động nêu trên, các sở, ngành, quận, huyện cũng chủ động tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, phù hợp trên địa bàn quản lý nhằm hướng đến nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, kết nối hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế số cho doanh nghiệp, đem đến trải nghiệm cho người dân về những hiệu quả, tiện ích nhất của sản phẩm số, dịch vụ số đem lại.
Gia Lai triển khai chuyển đổi số vùng miền núi
UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch 2378/KH-UBND về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình được thông tin về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số; 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số; phấn đấu các cơ quan công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành phòng họp trực tuyến; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc Kế hoạch này được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng; phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về Chương trình.
Mục tiêu của kế hoạch còn nhằm nâng cao khả năng sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quản lý của nhà nước với công tác dân tộc.