Nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới 8/5

Hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới 8/5/2022 với thông điệp quốc tế: 'Hãy cùng quan tâm, chia sẻ và chung tay nâng cao hiểu biết về bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh)', các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Tư vấn cho người dân về bệnh tan máu bẩm sinh tại xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà).

Tư vấn cho người dân về bệnh tan máu bẩm sinh tại xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà).

Cụ thể, Chi cục Dân số và KHHGĐ, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế xã đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại một số trường học; truyền thông qua loa truyền thanh xã, phường; tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ cho các nhóm đối tượ̣ng, người có uy tín trong cộng đồng, tuyên truyền vận động trực tiếp tại cụm dân cư và hộ gia đình về bệnh tan máu bẩm sinh.

Trạm Y tế xã Tả Phời tổ chức truyền thông tại Trường Trung học cơ sở xã Tả Phời.

Trạm Y tế xã Tả Phời tổ chức truyền thông tại Trường Trung học cơ sở xã Tả Phời.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh tan máu bẩm sinh cũng như về tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dân số. Trọng tâm hoạt động truyền thông hướng đến đối tượng nam hoặc nữ thanh niên chưa kết hôn đã mắc bệnh tan máu bẩm sinh, người có khả năng mang gen bệnh, người có nguy cơ cao mang gen bệnh tại cộng đồng cần khám sức khỏe trước kết hôn tại cơ sở y tế để được bác sỹ tư vấn và thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh.

Cán bộ dân số truyền thông cho các em học sinh thông qua tờ rơi có thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh. Ảnh: Hồng Loan

Bệnh Thalassemia, còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời; nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, tuổi thọ thấp... Biểu hiện của người bệnh như: Thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt), vàng da, vàng mắt, da xạm, chậm phát triển thể chất, dậy thì muộn. Tỉnh Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong khi tỷ lệ mang gen Thalassemia ở nhóm dân tộc thiểu số là 24,5%, cao hơn rất nhiều so với dân tộc Kinh. Do đó, công tác tuyên truyền về bệnh Thalassemia có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356165-nhieu-hoat-dong-truyen-thong-huong-ung-ngay-thalassemia-the-gioi-85