Nhiều hoạt động ý nghĩa tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng

Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Cầu Ngang triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần khơi dậy tính tích cực, xung kích tình nguyện và khả năng tư duy, sáng tạo của thanh niên dựa trên nhu cầu, lợi ích của thanh niên và của toàn xã hội.

Các hộ nghèo nhận quà tại gian hàng 0 đồng của Xã Đoàn Nhị Trường.

Các hộ nghèo nhận quà tại gian hàng 0 đồng của Xã Đoàn Nhị Trường.

Đẩy mạnh hoạt động tạo hiệu ứng trong các phong trào

Chị Phạm Thị Tố Như, Bí thư Huyện Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Cầu Ngang cho biết: nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong các phong trào, hoạt động, Ủy ban Hội đã xây dựng các kế hoạch, phần việc phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; “thanh niên với văn hóa giao thông”; đề án “thanh niên khởi nghiệp”; thanh niên tình nguyện vì cộng đồng;…

Với tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, Ủy ban Hội triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “triệu túi an sinh”, “san sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”,… Qua đó, vận động tặng hơn 4.000 phần quà nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, cận nghèo, người đang thực hiện cách ly tại gia đình; tặng 3.000 kính chắn giọt bắn, hơn 15.000 khẩu trang y tế, 1.000 chai nước rửa tay, thực hiện chương trình “chuyến xe nghĩa tình” đã vận động gần 02 tấn lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân tại thành phố Hồ Chí Minh với trên 1,1 tỷ đồng. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức cho 4.860 lượt hội viên, thanh niên đăng ký, tham gia hiến 3.952 đơn vị máu. “Tuổi trẻ chung tay XDNTM, đô thị văn minh” được chỉ đạo thực hiện hàng năm, cao điểm trong Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh,... đã vận động xây dựng, sửa chữa 20 cây cầu, đường nông thôn; 12 công trình thắp sáng đường quê; xây dựng 47 căn nhà nhân ái; xây dựng 15 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; làm mới, sửa chữa nâng cấp đường đal với trên 8,3 tỷ đồng; trồng mới 45.500 cây xanh, hoa kiểng các loại; tổ chức thu gom, xử lý trên 40 tấn rác thải; vệ sinh môi trường dọc các tuyến kênh và dọn cây xanh, bụi rậm dọc các tuyến đường nông thôn, với hơn 14.000 lượt hội viên thanh niên và người dân tham gia…

Đặc biệt Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện phối hợp tổ chức tư vấn, hỗ trợ thanh niên chọn nghề nghiệp, việc làm thông qua các hoạt động như: nói chuyện chuyên đề về “khởi nghiệp”; tham gia “sàn giao dịch việc làm”, chương trình “tư vấn hướng nghiệp”,... Qua đó, đã phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho 12.500 lượt hội viên thanh niên; giới thiệu việc làm cho 7.617 hội viên thanh niên, giúp 1.906 hội viên thanh niên có việc làm ổn định, có 507 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,…

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ủy ban Hội cơ sở phối hợp đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế trong thanh niên, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình... đã tổ chức 325 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, có trên 9.750 lượt hội viên thanh niên tham gia. Thành lập mới 07 mô hình phát triển kinh tế tại các xã Long Sơn, Hiệp Mỹ Đông, Thuận Hòa, hỗ trợ vốn vay ưu đãi trên 02 tỷ đồng. Có 41 hội viên thanh niên được hỗ trợ từ nguồn vốn lập thân lập nghiệp của Tỉnh Đoàn, với số tiền gần 1,8 tỷ đồng, nâng đến nay đang quản lý gần 85 tỷ đồng hỗ trợ 366 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 2.789 hộ vay; đồng thời trao nguồn vốn lập thân lập nghiệp cho thanh niên mượn vốn phát triển kinh tế, số tiền 25 triệu đồng.

Thanh niên Sơn Ly, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đã mạnh dạn chuyển đổi luân canh cây màu trên đất lúa đem lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.

Anh Ly cho biết: với 0,7ha đất chuyên lúa, từ khi thực hiện chuyển đổi 02 vụ màu - 01 vụ lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là mô hình liên kết trồng bắp giống. Hiện nay, anh đang trồng bắp ăn trên diện tích 0,3ha đang phát triển tốt. So với bắp giống, trồng bắp ăn tuy thời gian ngắn nhưng lợi nhuận thấp hơn, do bán theo giá thị trường, nên lợi nhuận không ổn định. Còn mô hình trồng bắp giống, được liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn.

Những hoạt động thiết thực, kết quả đạt được trong phong trào “đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong đời sống thanh niên, góp phần phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, qua các phong trào đã thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Thanh niên Sơn Ly (bên phải) trao đổi kỹ thuật trồng bắp ăn với cán bộ Đoàn xã và Ban Nhân dân ấp.

Thanh niên Sơn Ly (bên phải) trao đổi kỹ thuật trồng bắp ăn với cán bộ Đoàn xã và Ban Nhân dân ấp.

Mô hình “gian hàng 0 đồng”

Theo chị Phạm Thị Tố Như, phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thanh niên. Ngoài tranh thủ các nguồn lực, các chương trình dự án tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được trang bị kiến thức, ứng dụng khoa học vào sản xuất, Ủy ban Hội thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác thanh niên, điển hình mô hình “gian hàng 0 đồng” tại xã Nhị Trường, góp phần san sẻ yêu thương với học sinh nghèo, những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Bí thư Xã Đoàn Nhị Trường cho biết: mô hình “gian hàng 0 đồng” là vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp những phần quà như: quần áo, gạo, tập, viết, rau củ các loại,... để tặng học sinh nghèo học giỏi, gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn vận động, định kỳ hàng tháng Xã Đoàn mở gian hàng tặng 02 lần để hỗ trợ học sinh nghèo, hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt ổn định cuộc sống.

Bà Kiên Thị Dân, ấp Nô Lựa A, xã Nhị Trường chia sẻ: kinh tế gia đình phụ thuộc vào làm thuê với nghề ve chai, thu nhập từ 50.000 - 80.000 đồng/ngày. Hàng tháng đến “gian hàng 0 đồng” bà được hỗ trợ một số quần áo, đồ dùng sinh hoạt hoặc nhu yếu phẩm khác. Có những phần quà này bà rất vui, giảm được một phần chi phí mua đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Từ tháng 9/2021 đến nay “gian hàng 0 đồng” đã tổ chức được 125 cuộc, trao trên 2.625 phần quà gồm gạo, quần áo, tập, viết, cặp sách, rau củ các loại và một số nhu yếu phẩm khác với tổng trị giá trên 550 triệu đồng. Thông qua mô hình “gian hàng 0 đồng” đã mang lại hiệu quả thiết thực nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của học sinh nghèo trên địa bàn xã, còn hỗ trợ những gia đình nghèo vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doan-the/nhieu-hoat-dong-y-nghia-tao-hieu-ung-lan-toa-trong-cong-dong-38396.html