Nhiều học sinh bị dụ dỗ sử dụng chất cấm
Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố Hải Dương đã phát hiện 4 nam sinh có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, tẩm vào thuốc lào rồi hút.
Sự việc được xác định xảy ra vào ngày 25/4, Công an tỉnh Hải Dương bắt quả tang 4 học sinh dùng ma túy tại quán nước vỉa hè khu vực gần cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương thuộc phường Thanh Bình, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố Hải Dương đã phát hiện 4 nam sinh có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện học sinh sử dụng loại ma túy lỏng, mới xuất hiện trên thị trường. Các học sinh trên đã tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút. Sự việc này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương xác nhận, trong đó có 2 học sinh sinh năm 2006.
Hiện nay tình trạng học sinh ham vui, đua đòi, nên bị các đối tượng xấu lợi dụng, cho sử dụng những chất cấm mà không biết đang khá phổ biến. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuyện học tập, mà bản thân các em còn vi phạm pháp luật, thậm chí nếu nặng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Hiện nay các chất cấm, ma túy núp bóng dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, kẹo lười, tem lưỡi và thậm chí tẩm cả vào bánh kẹo, trà sữa, đồ ăn không rõ nguồn gốc… được đưa vào các hàng quán, hàng rong gần trường học núp dưới nhiều hình thức khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Vừa qua có một vị phụ huynh nhận thấy gần đây con trai ông có những thay đổi về tâm lý và hành vi, nhất là sau mỗi lần hút thuốc lào, ông cho rằng có gì đó bất thường trong thuốc lào. Tại Viện Khoa học hình sự, kết quả giám định gói thuốc lào do vị phụ huynh trên mang đến có chất hướng thần 5F-MDMB- PICA; trong đó, sợi thuốc lào thông thường đã được phun, tẩm chất hướng thần.
Đặc biệt, mới đây Viện Khoa học hình sự cũng đã giám định một số mẫu chai, lọ theo yêu cầu của một số nhà trường ở Hà Nội đề nghị phân tích các mẫu nghi là ma túy thu được của học sinh. Các trường mô tả sau khi sử dụng chất chứa trong các chai, lọ này thì các bạn học sinh có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, thậm chí có em bị ngất.
Kết quả giám định các chất có trong các chai, lọ kể trên cũng có chất hướng thần 5F-MDMB-PICA như chất phun, tẩm trong sợi thuốc. Chất hướng thần này đã được hòa tan trong dung dịch sử dụng cho người dùng thuốc lá điện tử mà vẫn giữ nguyên màu sắc, mùi vị, chuyên gia cũng khó phát hiện.
Chuyên gia của Viện Khoa học hình sự cũng cho biết trước đây chất này chỉ có trong cỏ Mỹ, nhưng gần đây đã được tẩm trong nhiều "sản phẩm" thông dụng như thuốc lào, thuốc lá điện tử, tẩm vào thảo mộc. Thủ đoạn tinh vi này khiến giới trẻ dễ sa vào sử dụng ma túy mà không biết”.
Thầy Nam chia sẻ thêm: “Đặc điểm của các em học sinh tuổi mới lớn, thích điều mới lạ, đua bạn bè, thích thể hiện cái tôi nên hùa theo các bạn mà không hề nghĩ tới những tác hại của những loại chất cấm kia.
Giai đoạn nhạy cảm này bố mẹ và nhà trường cần chú ý cảnh báo các con trước các tác nhân nguy hại như vậy, cần trang bị cho các con những kỹ năng nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn ở ngoài môi trường xã hội.
Hiện tượng chất cấm, ma túy dạng nước, dạng cỏ khô được tẩm và hút bằng điếu cày tại hàng trà đá không còn quá xa lạ nhất là với học sinh ở các thành phố lớn. Không hiếm bắt gặp các em học sinh vào buổi trưa sau khi tan học vẫn còn mặc đồng phục của nhà trường nhưng ngồi hút thuốc lá điện tử, hút thuốc lào tại các hàng trà đá vỉa hè.
Tôi nghĩ cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc một cách toàn diện để phát hiện những nguy cơ rình rập con trẻ trước việc xuất hiện tinh vi của chất gây nghiện trên thị trường. Ví dụ như các con phải đối diện với các nguy cơ ấy ở giai đoạn nào, trong những khu vực nào, ở lứa tuổi nào…
Phải làm như vậy để mình có chiến lược phòng ngừa với từng nhóm đối tượng ở từng độ tuổi chứ không thể nói chung chung bằng một cái tên “phòng chống ma túy học đường” như hiện nay được, như vậy chỉ là hình thức trong khi các loại ma túy luôn thay hình đổi dạng qua từng ngày sẵn sàng đợi thời cơ để xâm nhập, nhất là đối tượng các em học sinh còn thiếu kiến thức xã hội.
Các em học sinh cấp 2 đầu cấp 3 luôn muốn khẳng định bản thân, muốn thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ nên dễ có nguy cơ bị dụ dỗ sử dụng chất cấm. Vì vậy phải tăng cường tuyên truyền pháp luật cho học sinh, cho cả những hàng quán xung quanh nhà trường, còn phía bố mẹ thì tăng cường kiểm soát, để tâm đến những thay đổi của con”.
Cha mẹ cần quan tâm sát sao mọi hoạt động của con
Theo Phó giáo sư Trần Thành Nam: “Khi các con sử dụng chất gây nghiện hoặc các chất cấm chắc chắn có những dấu hiệu nhất định và việc của phụ huynh là phải nhận diện sớm nó qua trạng thái tâm lý, qua mùi vị bám trên quần áo, trong phòng riêng của con.
Nếu sử dụng vài lần khó phát hiện thì có thể dựa vào một số đặc điểm về biến đổi tâm sinh lý và những thay đổi trong nhận thức của đứa trẻ, bởi vì chất gây ảo giác khiến đứa trẻ thay đổi thất thường như cáu bẳn thu mình, sợ nước, không thích tham gia các hoạt động đông người, thay đổi thói quen sinh hoạt…phụ huynh có thể tìm hiểu thêm một số dấu hiệu đặc trưng của một số dạng chất ma túy.
Ngoài việc phải nhận diện những thay đổi của con, bố mẹ cũng phải có kỹ năng dạy con kỹ năng sử dụng tài chính, quan trọng nhất là các con nhận thức được giá trị đồng tiền. Nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ thì các phụ huynh cần xem lại cách đưa tiền cho con chi tiêu hàng ngày, không nên đưa trẻ nhiều tiền một lúc, nên chia nhỏ số tiền đủ sinh hoạt trong ngày.
Đối với các em học sinh học bán trú cả ngày thì tổ giám thị của nhà trường cần có biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh nhất là những giờ nghỉ giải lao, chú ý những góc khuất trong khu vực vệ sinh chung của trường nếu thấy dấu hiệu khả nghi.
Đối với những học sinh học nửa ngày hoặc nghỉ trưa tại nhà thì gia đình cần quan tâm, có biện pháp đưa đón hoặc để ý vì khi ra khỏi cổng trường các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào quán nước hoặc sa đà vào một số tệ nạn rồi dùng thử các chất cấm.
Hiện nay trong thực tế cũng có không ít đứa trẻ chủ động sử dụng chất gây nghiện giống như cách giải tỏa áp lực của cuộc sống, áp lực trong học tập… Vậy nên bên cạnh việc quản lý chất cấm, quan sát thay đổi của con thì cha mẹ cần động viên con tham gia những hoạt động tích cực, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Khi không còn căng thẳng, không còn áp lực trong cuộc sống thì đứa trẻ không phải khổ sở tìm kiếm những cách giải tỏa stress, tránh được chuyện sử dụng chất cấm”.