Nhiều học sinh 'rẽ lối' chọn hệ cao đẳng dù đủ điểm đỗ đại học

Dù đủ điểm đỗ đại học, nhiều thí sinh vẫn 'rẽ lối' chọn cao đẳng vì thời gian học ngắn hơn; có môi trường thực hành-thực nghiệp đặc biệt là tiết kiệm chi phí hơn.

Học cao đẳng vừa thực tế, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí lại sớm có việc làm

Trước đây, lý do thường thấy khi học sinh lựa chọn học các trường cao đẳng là vì không đủ điểm vào đại học, nên đành học cao đẳng trước rồi học liên thông lên đại học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều thí sinh mặc dù có điểm thi tốt nghiệp khá cao, vẫn lựa chọn học cao đẳng.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Fanpage trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Fanpage trường.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nam sinh Phùng Văn Tuấn (sinh năm 2006, Ninh Bình) cho hay, tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, em đạt được điểm số khá cao với 27,25 điểm (tổ hợp C00) và 27,75 điểm (tổ hợp C19). Bằng số điểm này, Tuấn hoàn toàn có cơ hội theo học một ngành thuộc top tại một số trường đại học nhưng em quyết định chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử của Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa vì “một phần do đam mê lĩnh vực kỹ thuật từ sớm, một phần là sau khi tìm hiểu về chương trình học tại trường chỉ mất 3 năm, em thấy sẽ giúp mình “rút ngắn” thời gian học tập, nhanh tiếp cận với ngành nghề và sớm tìm được việc làm phù hợp”.

Học phí năm học 2024-2025 của Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa là 18.480.000 đồng/năm (chia thành 4 đợt). Theo Tuấn, mức học phí là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đối với nam sinh khi quyết định chọn học cao đẳng vì điều kiện kinh tế gia đình em còn khó khăn.

 Phùng Văn Tuấn (sinh năm 2006, Ninh Bình) lựa chọn Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa dù điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông khá cao. Ảnh: NVCC.

Phùng Văn Tuấn (sinh năm 2006, Ninh Bình) lựa chọn Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa dù điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông khá cao. Ảnh: NVCC.

Trước quyết định của con trai, anh Phùng Văn Phú (bố của Phùng Văn Tuấn) bày tỏ: “Từ nhỏ, Tuấn luôn có học lực tốt. Tuy nhiên, khi lên lớp 12, con chia sẻ sẽ không học đại học mà lựa chọn học cao đẳng, gia đình cũng rất ngạc nhiên và ban đầu không đồng tình về quyết định này. Sau khi nghe con giải thích về ngành học và cơ hội việc làm, gia đình tôi mới thấu hiểu, ủng hộ đam mê của con, cũng như cho con thêm cơ hội để tự va vấp, trưởng thành”.

Tương tự, nam sinh Nguyễn Chí Tín (sinh năm 2004, Phú Thọ) quyết định học ngành Logistics tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (Hà Nội), dù trước đó đạt được 27 điểm tổ hợp C00 (Văn 9,5 điểm; Sử 9,5 điểm và Địa 9 điểm) trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

Chí Tín cho hay: “Điều khiến em hứng thú nhất khi theo học tại trường cao đẳng chính là cơ hội được học thực học - thực nghiệp nhiều, cơ sở vật chất hiện đại, thầy cô tâm lý, trẻ trung. Các thầy cô cũng rất tận tâm với học trò, luôn tạo điều kiện học tập để sinh viên không bị chậm tiến độ”.

Cũng theo học tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, sinh viên Trần Ngọc Phước (sinh năm 2005, Quảng Trị) chia sẻ, theo đuổi con đường học nghề vì nhận thấy trong chương trình đào tạo thời lượng thực hành được chú trọng nhiều hơn.

Trước đây, Ngọc Phước đã từng đỗ ngành Du lịch (Trường Đại học Duy Tân) và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Trường Đại học Đông Á) với 24 điểm tổ hợp C00 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Hiện tại, Ngọc Phước đang theo học chuyên ngành Digital Marketing tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (cơ sở Đà Nẵng).

“Trong quá trình học tại tập tại trường, em cải thiện được tính tự giác cũng như sự chủ động và trở nên tự tin hơn. Nhà trường tổ chức rất nhiều sự kiện vừa giúp sinh viên giải tỏa cảm xúc sau những giờ học căng thẳng, đồng thời mở rộng mối quan hệ, kết nối với bạn bè, thầy cô và chuyên gia trong cùng lĩnh vực. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, em còn được rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng, như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình,...”, nam sinh chia sẻ.

Nói về nguyên nhân quyết định chọn học nghề, Phước cho hay, thời gian đào tạo và học phí chính là điều mà nam sinh này quan tâm nhất.

Theo đó, chương trình đào tạo Digital Marketing của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic diễn ra trong 2 năm (với 6 học kỳ) với học phí 9.920.000 đồng/kỳ.

 Sinh viên Trần Ngọc Phước (sinh năm 2005, Quảng Trị) chia sẻ lý do theo đuổi con đường học nghề, một phần do học phí rẻ. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Trần Ngọc Phước (sinh năm 2005, Quảng Trị) chia sẻ lý do theo đuổi con đường học nghề, một phần do học phí rẻ. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, Phước cho biết, khi theo học tại trường, nam sinh sẽ có cơ hội được đi thực tập từ sớm tại các công ty mà trường giới thiệu. Điều này giúp em phát triển kỹ năng và hiểu biết trong lĩnh vực mà em đang theo đuổi cùng với đó là tăng khả năng thích ứng và tự tin trong công việc.

Trần Ngọc Phước cho hay, trước sự phát triển không ngừng của xã hội, bản thân nam sinh xác định việc học là cần thiết và không ngừng nỗ lực học tập, kết hợp với việc trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Chia sẻ về dự định sau khi tốt nghiệp, Phước cho biết, sẽ học thêm một số ngôn ngữ như tiếng Hàn hoặc tiếng Anh để xin vào làm tại các công ty nước ngoài, các công ty liên kết của nhà trường.

Từng theo học ngành Dược tại Trường Cao đẳng Y Hà Nội, chị Đỗ Thị Thùy Ninh (sinh năm 2001, Ninh Bình), hiện tại đã trở thành một dược sĩ với mức lương ổn định. Chị bộc bạch, bản thân không hề hối hận với quyết định từ bỏ đại học để “rẽ lối” lựa chọn học nghề.

 Chị Đỗ Thị Thùy Ninh (sinh năm 2001, Ninh Bình) cho hay, không hề hối hận khi đã lựa chọn học tập tại trường cao đẳng. Ảnh: NVCC.

Chị Đỗ Thị Thùy Ninh (sinh năm 2001, Ninh Bình) cho hay, không hề hối hận khi đã lựa chọn học tập tại trường cao đẳng. Ảnh: NVCC.

Chị Thùy Ninh nhớ lại: “Tôi từng đỗ ngành Thương mại điện tử của 2 trường đại học ở Hà Nội. Thế nhưng, sau khi cân nhắc, tôi nhận thấy nhiều ưu điểm ở trường cao đẳng mà mình đang tìm kiếm như thời gian học cao đẳng ngắn hơn so với đại học khoảng 1- 2 năm, đồng thời, có thể học thực hành, thực tế nhiều, tập trung chuyên môn và có thể ra ngoài đi làm sớm, tiết kiệm chi phí hơn...

Tôi nhận thấy, cho dù lựa chọn học cao đẳng, nếu bản thân có năng lực và sự cầu tiến, thì không có gì khó khăn. Học đại học hay cao đẳng cũng đều là tự học, tức là mình phải chủ động học hỏi, kiên trì đến cùng".

Chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động

Với nhiều năm công tác, cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Kim Sơn B (Ninh Bình) cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc trao đổi, chia sẻ và góp ý đối với học sinh lớp 12 về những định hướng, lựa chọn trước “ngưỡng cửa” của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cô Hoa cho rằng, việc học các trường cao đẳng sẽ chú trọng đào tạo tay nghề, phù hợp thực tiễn của thị trường lao động. Tất nhiên, đào tạo đại học sẽ đi từ lý thuyết đến thực hành để các em chuyên sâu hơn.

 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa cùng học sinh của mình. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa cùng học sinh của mình. Ảnh: NVCC.

“Theo quan sát của tôi, nhiều học sinh lựa chọn học nghề, một phần do xã hội phát triển kéo theo đa dạng nghề nghiệp, điều này cho phép học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, không xin được việc hoặc phải làm trái ngành học.

Trước tình hình đó, việc học nghề là một lựa chọn phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của nhiều em, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Việc chọn ngành nghề thực sự là một bước ngoặt rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của mỗi người. Theo đó, phụ huynh cùng nhà trường nên chú trọng đến công tác hướng nghiệp, định hướng cho các em” - nữ giáo viên bày tỏ.

Cô Hoa cũng nhấn mạnh, trên thực tế, vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa suy nghĩ nghiêm túc với chính tương lai của mình, nên có thể còn nhiều băn khoăn khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.

“Theo tôi, học sinh cần phải hiểu bản thân mình, biết mình có sở trường, năng lực, sở thích và đam mê gì, đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy chọn ngành nghề sau này. Đặc biệt, cần hài hòa giữa sở thích, đam mê với nhu cầu của xã hội.

Lựa chọn tốt nhất là lựa chọn phù hợp nhất với bản thân. Dù lựa chọn cao đẳng hay đại học thì điều quan trọng là các em cần cân nhắc xem con đường nào là con đường phù hợp nhất với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của xã hội. Và tất nhiên, con đường nào cũng cần sự quyết tâm, kiên trì, chăm chỉ và sự cầu tiến,... mới có thành quả tốt đẹp”, cô Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Phan Thế Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: “Nếu các trường cao đẳng đào tạo “thật”, cung cấp chất lượng “thật” và sinh viên cũng học “thật”, thì lựa chọn học cao đẳng sẽ không còn là lựa chọn “rẽ lối”, việc người học kiên trì theo đuổi con đường này cũng sẽ gặt hái những thành công”.

 Tiến sĩ Phan Thế Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phan Thế Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phan Thế Hải cũng cho rằng: “Khi học sinh lựa chọn ngành nghề, nên xuất phát từ đam mê, bởi vì chỉ có đam mê mới có thể tạo động lực để kiên trì theo đuổi đến cùng, cũng như giúp các em không bị nản chí trước khó khăn. Các bậc phụ huynh không nên “gò ép” con em mình, chỉ khi các em chưa tìm ra sở trường hay đam mê, gia đình mới đưa ra ý kiến và gợi mở những định hướng, lựa chọn tốt nhất”.

Theo thầy Hải, học sinh chọn học các trường cao đẳng có nhiều lý do ví như có những em do hoàn cảnh gia đình, muốn học nhanh để ra trường sớm, đi làm sớm, phụ giúp gia đình; có những em lựa chọn học cao đẳng vì đam mê; có những em lại chọn vì nhìn nhận được khả năng của bản thân, nhận thấy năng lực phù hợp,...

Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin thêm: “Một trong những ưu thế của các trường cao đẳng so với đại học, chính là học phí. Học phí nhà trường hiện nay rất rẻ, chỉ 860.000 đồng/tháng (các ngành/chuyên ngành đào tạo đều được thiết kế 2 học kỳ/năm). Học phí năm học 2024-2025 là 8,6 triệu đồng/năm, trừ ngành Giáo dục Mầm non). Bên cạnh đó, nhà trường còn tạo điều kiện cho sinh viên ở ký túc xá tại trường".

 Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024. Ảnh: cdspbrvt.edu.vn.

Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024. Ảnh: cdspbrvt.edu.vn.

Chia sẻ về cơ hội việc làm và thu nhập của sinh viên tốt nghiệp tại nhà trường, Tiến sĩ Phan Thế Hải cho hay: “Riêng sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, luôn được các địa phương “đặt hàng”. Sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh và Tiếng Nhật vừa có thể làm việc tại các công ty nước ngoài, vừa có thể giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ với mức thu nhập khá cao (dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng). Bên cạnh đó, thu nhập của sinh viên tốt nghiệp các ngành khác hiện nay cũng khá ổn định”.

Vị Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cũng nhấn mạnh, trước bối cảnh thực tế với tình hình xã hội phát triển hiện nay, đã tạo ra nhiều lựa chọn cho người học. Chính vì vậy, các trường cao đẳng nên chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động; đồng thời, góp phần phát triển cho sự nghiệp giáo dục nói riêng và sự hội nhập của đất nước nói chung.

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-hoc-sinh-re-loi-chon-he-cao-dang-du-du-diem-do-dai-hoc-post245006.gd