Nhiều hướng đi về miền Tây 'né' tắc đường dịp Tết
Phà Rạch Miễu đang gấp rút hoàn thành giúp người dân miền Tây bớt ám ảnh tắc đường dịp Tết Nguyên đán.
Hướng đi từ TP HCM về các tỉnh miền Tây
Nhiều lựa chọn hướng đi về miền Tây
Nhiều năm nay, mỗi khi Tết đến, người dân các tỉnh miền Tây làm ăn xa trở về luôn ngán ngẩm bởi tình trạng ùn tắc giao thông trên QL1, cầu Rạch Miễu, QL60 qua Tiền Giang, Bến Tre…
Có mặt trên QL1 đoạn qua Tiền Giang, PV Báo Giao thông ghi nhận tại một số cầu hẹp (chỉ có hai làn xe) là điểm “thắt cổ chai” nay đã trở nên thông thoáng sau khi dự án mở rộng bốn cầu Mỹ Quý (TX Cai Lậy), cầu Rạch Miễu (huyện Cái Bè) cầu Rượu, cầu Sao (huyện Châu Thành, Tiền Giang) lần lượt hoàn thành.
“
Dự báo dịp Tết Tân Sửu 2021, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ tăng từ 130 - 150%, đặc biệt một số tuyến có thể tăng đến 200% như tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, đoạn TP HCM - Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngã tư Dầu Giây điểm giao giữa QL1 - QL20 hiện nay đang tạm dừng thi công, hệ thống rào chắn, biển báo hư hỏng nhiều, không có lực lượng của nhà thầu trực, tham gia điều tiết giao thông nên khả năng ùn tắc tại nút giao này rất cao. Tuyến N2 cũng có khả năng ùn tắc giao thông do tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã thông xe, lưu lượng xe sẽ tăng đột biến trong những ngày trước và sau Tết.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4
”
Ông Lê Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Ban QLDA 7 cho hay, dự án mở rộng các cầu trên QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang được Bộ GTVT đầu tư hơn 300 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đường và mở rộng cầu. Trong đó, bốn cầu nói trên được đầu tư xây mới đơn nguyên với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, cho phép xe chạy với vận tốc 60km/h.
Tài xế xe tải Nguyễn Văn Hùng, chạy tuyến đường dài Kiên Giang đi Bình Thuận cho biết, đoạn QL1 qua Tiền Giang trước đây thực sự là nỗi ám ảnh. “Có đoạn chúng tôi bị kẹt cứng hàng giờ, trước đây nghiêm trọng nhất là khu vực cầu Rượu và hiện nay là cầu Bà Đắc. Nay bốn cầu đã nâng cấp, mở rộng, lưu thông dễ dàng hơn nhiều và chắc chắn sẽ giảm ùn tắc dịp Tết”, tài xề Hùng cho biết.
Tuy vậy, trên đoạn tuyến QL1 qua Tiền Giang vẫn còn 8 cây cầu hẹp khác, vì vậy nguy cơ ùn tắc vẫn xảy ra khi lượng phương tiện đông, đặc biệt là những ngày từ 27 đến 29 tháng Chạp.
Để tránh ùn tắc, người đi ô tô có thêm một lựa chọn khác là di chuyển trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa cho lưu thông tạm. Theo đó, các ô tô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn khi chạy trên cao tốc TP HCM - Trung Lương đến cuối tuyến sẽ được hướng dẫn lưu thông qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cho lưu thông 1 chiều từ Trung Lương về Mỹ Thuận). Lưu ý là tuyến này chỉ phục vụ ban ngày, từ 6h sáng đến 17h chiều, tốc độ tối đa cho phép chỉ 40km/h.
Ông Nguyễn Văn Đực (68 tuổi, người dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) không giấu được niềm vui: “Tuyến này cho xe đi tạm thì quá thuận tiện cho người dân từ TP HCM về quê đón Tết. Chúng tôi mong dự án sớm thông xe chính thức, bởi người dân mong chờ dự án này lâu lắm rồi”, ông Đực tâm sự.
Với “điểm nóng” ùn tắc cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre, năm nay tỉnh Bến Tre đã bỏ ra 100 tỷ đồng làm phà tạm để “chia lửa”. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng 674 Long An, đơn vị thi công đường dẫn bến phà cho biết, tại công trình hiện có hơn 100 công nhân, lao động thi công liên tục. “Phấn đấu đến 15 tháng Giêng sẽ bàn giao toàn bộ mặt đường, để đưa vào hoạt động”, ông Phước cho biết.
Từ TP HCM về miền Tây qua các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang còn có một lựa chọn khác là theo tuyến N2. Từ huyện Củ Chi có thể thuận tiện đi qua huyện Đức Hòa (Long An) để về Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh, Vàm Cống đã hoàn thành nên việc lưu thông rất thuận tiện
Đặc biệt, năm nay tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khánh thành đưa vào khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc (chỉ cho ô tô chạy với tốc độ 80km/h) nên người đi ô tô có thể lưu thông theo tuyến này để về Kiên Giang, rút ngắn 40 phút so với đi QL80.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4 cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp QL1 đoạn qua Vĩnh Long để hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đoạn đường này sau nâng cấp sẽ không còn bị ngập, xuống cấp như trước, phương tiện lưu thông sẽ nhanh và an toàn hơn.
Với hướng về Cà Mau, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đã được nâng cấp, sửa chữa, mặt đường mỗi bên mở rộng ra thêm 1m, thảm bê tông nhựa nên các phương tiện có thêm lựa chọn để lưu thông, giảm khoảng 50km so với đi QL1 từ Hậu Giang về Cà Mau.
Trong khi đó, tại TP HCM, với “điểm đen” cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh), cửa ngõ về miền Tây trên QL1, người đi xe gắn máy có thể chọn các hướng từ đường Nguyễn Văn Linh để tránh ùn tắc. Với người đi ô tô có thể đi theo hướng cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Chủ động điều tiết, phân luồng
Hướng đi từ TP HCM về các tỉnh miền Tây
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4 cho biết, Cục sẽ thành lập tổ công tác, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp quản lý các tuyến đường BOT, phà… để lên phương án phối hợp điều tiết giao thông.
Với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, sẽ thành lập Tổ Điều phối, đảm bảo ATGT dịp Tết, thực hiện kiểm tra, xử lý ATGT, ứng phó các tình huống, sự cố; Tăng cường tuần đường, tuần kiểm để kiểm soát tình hình giao thông trên tuyến, phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương có tuyến cao tốc đi qua, Đội TTKS giao thông cao tốc thuộc Cục CSGT xử lý nghiêm các vi phạm: Chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu; chạy vào làn dừng khẩn cấp, dừng đỗ xe trên đường cao tốc, xe gắn máy lưu thông trên cao tốc.
Tại các lối vào cao tốc, trường hợp ùn ứ giao thông phải điều tiết sẽ mở thêm làn về phía hướng ra để tăng khả năng thông xe. Trường hợp ùn tắc giao thông do TNGT sẽ điều tiết giao thông từ xa xuống các nút giao để ra quốc lộ.
Đồng thời, tại các nơi có bố trí điểm chờ mở trên cao tốc có thể điều tiết lưu thông hai chiều dưới sự hướng dẫn của CSGT hoặc có thể điều tiết giao thông vào làn khẩn cấp nếu cần thiết. Xe cứu hộ, cấp cứu được bố trí ở hai đầu tuyến cao tốc và tổ chức trực 24/24h trong suốt những ngày Tết.
Cầu Rạch Miễu trên QL60 thường xuyên ùn tắc mỗi dịp lễ, Tết và các ngày cuối tuần
Trong khi đó, dù có phà “chia lửa” nhưng theo ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, đơn vị vẫn đưa ra các phương án chốt chặn, điều tiết từ xa tạo điều kiện xe có đà khi qua cầu nhanh chóng.
Cụ thể, tại chân cầu Rạch Miễu (ngã tư QL60 - đường liên xã An Khánh, Tân Thạch, tỉnh Bến Tre) sẽ điều tiết, kiểm soát xe qua cầu và hướng dẫn cho xe từ xã Tân Thạch vào QL60 để qua cầu. Tại vòng xoay An Khánh (QL60 giao QL57) sẽ điều tiết dòng xe vào vòng xoay rẽ QL60 qua trạm thu phí đi Tiền Giang.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng CSGT Tiền Giang và Bến Tre cũng cho biết sẽ tăng cường lực lượng, chủ động phối hợp điều tiết giao thông kịp thời, ưu tiên xử lý dòng xe và nhanh chóng phối hợp với trạm thu phí tiến hành xả trạm khi có các sự cố TNGT, ùn tắc kéo dài trên cầu Rạch Miễu.
Các lực lượng cứu hộ cũng trực 24/24h trong các ngày Tết để cứu hộ, xử lý kịp thời các trường hợp va chạm và xe chết máy trên cầu đảm bảo ATGT thông suốt.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại các đơn vị đang đẩy nhanh thi công và sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đưa bến phà tạm Rạch Miễu vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2021.
Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN cũng áp dụng giải pháp cấm ô tô tải từ 3 trục trở lên lưu thông qua cầu Rạch Miễu (QL60) vào các khung giờ nhất định (từ 9h - 11h và 15h - 19h vào ngày thứ bảy theo hướng từ Tiền Giang đi Bến Tre; từ 15h -19h theo hướng ngược lại vào ngày chủ nhật). Giải pháp này đã có hiệu quả, giảm ùn ứ rõ rệt trên cầu Rạch Miễu trong năm 2020.
Trên cơ sở đó, Ban ATGT và Phòng CSGT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ VN thực hiện phương án cấm ô tô tải từ 3 trục trong những ngày Tết theo khung giờ và hai ngày cuối tuần như trên, bắt đầu từ 27/1 đến 22/2/2021 để đảm bảo lưu thông trên cầu.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT):
Khảo sát, đánh giá cụ thể tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Để bảo đảm an toàn trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong thời gian thông xe tạm, phục vụ người dân về quê ăn Tết thuận lợi, Vụ ATGT sẽ phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng, Tổng cục Đường bộ VN, nhà thầu và các bên liên quan khảo sát để đưa ra các đánh giá cụ thể như: Trên cơ sở hạ tầng hiện hữu, tốc độ cho phép phương tiện lưu thông là bao nhiêu (chắc chắn thấp hơn tốc độ thiết kế khi dự án hoàn thiện); Giao thông tại các đoạn lên xuống như thế nào?
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ thiết lập hệ thống biển báo: Tốc độ, cảnh báo khu vực tách, nhập làn, sơn kẻ làn đường để các phương tiện lưu thông an toàn, tránh xảy ra va chạm.
Sau khi đánh giá kỹ đặc thù địa hình, năng lực hạ tầng, Tổng cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với địa phương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, xây dựng phương án tổ chức giao thông trên tuyến và các khu vực kết nối với cao tốc.
Bộ GTVT cũng sẽ tuyên truyền rộng rãi cho người dân được biết các phương án tổ chức giao thông để quá trình đi lại trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận an toàn tuyệt đối trong thời gian Tết.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Vụ ATGT vẫn chưa nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT về việc nghiên cứu các phương án, giải pháp đảm bảo ATGT trong thời gian thông xe tạm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nên các công việc trên vẫn chưa triển khai.
Nam Khánh (Ghi)
Bố trí người điều tiết, xe cứu hộ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ông Mai Mạnh Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, phương án lưu thông một chiều trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 5 ngày trước Tết (26 đến 30 tháng Chạp) và 5 ngày sau Tết (mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng). Cụ thể, trước Tết lưu thông theo hướng từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (từ nút giao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cao tốc TP HCM - Trung Lương đến nút giao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với QL30); Sau Tết, các phương tiện lưu thông chiều ngược lại. Thời gian lưu thông từ 6h đến 17h mỗi ngày. Theo tính toán, tuyến đường này sẽ chia tải cho QL1 khoảng 8 nghìn lượt xe mỗi ngày.
Để đảm bảo lưu thông, đơn vị phối hợp với CSGT, TTGT tỉnh Tiền Giang điều tiết, bố trí người dọc tuyến để hướng dẫn. Tại các vị trí còn bố trí các xe cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra để tuyến không bị ùn tắc.
Cho xe lưu thông không ảnh hưởng chất lượng dự án
Ông Đinh Mạnh Đức, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, nhà đầu tư (Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) đề xuất đưa dự án vào phục vụ tạm thời nhằm giảm tải ách tắc trên QL1, tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, nhà đầu tư và cơ quan liên quan cần có những biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông.
“Về tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt đường của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện tại là cấp phối đá dăm nên hoàn toàn có thể cho xe lưu thông tạm thời trong dịp Tết Nguyên đán 2021 với điều kiện cần phải có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông”, ông Đức nói và cho biết, khi cho xe lưu thông tạm thời trên tuyến đường, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng của dự án.