Nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh thế giới rất khó khăn

Thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và 9 tháng năm 2023, chiều 31-10, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Nhờ vậy, nước ta đã đạt nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh thế giới rất khó khăn.

Quốc hội, Chính phủ năng động, kiến tạo, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội dẫn ý kiến đánh giá của cử tri, nhân dân cả nước về tình hình kinh tế-xã hội trong nửa nhiệm kỳ qua cũng như 9 tháng năm 2023. Mặc dù tình hình Covid-19 chưa có tiền lệ trong lịch sử, bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp nhưng đất nước ta đã đoàn kết từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, nền tảng kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, thể hiện rất rõ Quốc hội, Chính phủ năng động, kiến tạo, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, được cử tri, nhân dân đồng thuận, tín nhiệm cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) bày tỏ ấn tượng đặc biệt với sự quyết liệt, mạnh mẽ, kiên định, kiên trì đổi mới cách nghĩ, cách làm vì nhân dân của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Cụ thể là đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thể chế, chính sách; tháo gỡ cho hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đưa nhiều dự án quan trọng đi vào vận hành, khởi động sau rất nhiều năm gián đoạn, có cả dự án kéo dài 20 năm như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1, Sông Hậu 1; kho Cảng Khí hóa lỏng Thị Vải; chuỗi dự án điện khí Lô B-Ô Môn...

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, nửa đầu nhiệm kỳ và 9 tháng năm 2023, quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống của nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng. Lần đầu tiên nước ta bán chứng chỉ carbon và phát triển trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI

Còn nhiều khó khăn, thách thức cần nhận diện rõ để vượt qua

Phân tích về những khó khăn, thách thức sẽ phải vượt qua để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho cả nhiệm kỳ, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) nhìn nhận, nước ta khó đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP cũng chưa đạt mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động đã không đạt mục tiêu trong cả hai năm gần đây và đây là năm thứ ba. Điều đó phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế còn hạn chế, chưa có tính bền vững. Các điểm nghẽn về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được kỳ vọng. Trước đây, các địa phương thường gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công nhiều hơn thì đến nay, các bộ, ngành cũng gặp khó khăn. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả về thị trường, đơn hàng và tiếp cận nguồn vốn. Tình trạng người lao động mất việc làm tại các khu vực công nghiệp vẫn diễn ra. Quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp hơn so với giai đoạn trước, nợ đọng thuế lại có xu hướng tăng lên. Việc xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả, ngân hàng yếu kém còn chậm. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lĩnh vực y tế, giáo dục còn những mảng gam màu tối chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như cháy nổ, lừa đảo qua mạng xã hội. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nhất trí với đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rằng nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng suy giảm. Đồng tình với 12 nhóm giải pháp chủ yếu mà Chính phủ nêu ra cho năm 2024 và thời gian tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể hơn, trên cơ sở phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các khó khăn nêu trên.

Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải lỗi của người dân

Một trong những nội dung nổi cộm được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các đại biểu cho rằng, đó là lỗi của cơ quan nhà nước, không phải lỗi của người dân và cơ quan nhà nước cần có giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá về tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Việc cập nhật danh mục thuốc ở nước ta để bệnh nhân được kịp thời sử dụng những thành quả mới nhất của nhân loại mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới. Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp mất khoảng 15 tháng, Hàn Quốc mất khoảng 18 tháng, nhưng nước ta mất 2-4 năm để cập nhật thuốc mới vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế. Không chỉ vậy, đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng người bệnh phải tự đi mua thuốc. “Bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả cho người dân khi họ phải tự bỏ tiền ra để mua thuốc, vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được thuốc là lỗi của chúng ta?”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) nêu ý kiến của cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế. "Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng", đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.

Kịp thời ban hành tiêu chuẩn, định mức đầu tư công

Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên), 9 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra...

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng phân tích, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế. Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Cần rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và gây lãng phí. Cần chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn theo quy định. Chính phủ cũng cần chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án; việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời, sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.

Cũng liên quan tới nội dung này, các đại biểu cho biết, quy định hiện hành về tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (Nghị định số 40/2020/NĐ-CP) chưa bao quát hết thực tiễn. Chẳng hạn, trong đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị y tế hay các chuyên ngành khác như phát thanh, truyền hình, camera giám sát, chuyển đổi số ở chính quyền các cấp... vẫn chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức. Theo quy định thì cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Vì vậy, khi quy định của pháp luật chưa đầy đủ, sẽ dẫn tới ách tắc trong thực hiện các dự án đầu tư công.

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhieu-ket-qua-kha-quan-trong-boi-canh-the-gioi-rat-kho-khan-749499