Nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện

5 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội (KTXH) tại các địa phương. Các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở triển khai trên địa bàn huyện đã thúc đẩy gia tăng hàm lượng KH&CN đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đồng thời nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa.

Sản xuất thử nghiệm nấm linh chi theo hướng công nghệ cao tại huyện Thoại Sơn

Theo Sở KH&CN, Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng tại các địa phương đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu ban hành các văn bản quản lý nhà nước, kế hoạch hàng năm và biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển KTXH. Hầu hết các địa phương đã tập trung triển khai và xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, huyện Tịnh Biên, Chợ Mới, An Phú, Châu Thành...

Công tác thông tin, tuyên truyền văn bản pháp luật về KH&CN được tăng cường. Cán bộ KH&CN địa phương thường xuyên được đào tạo và nâng cao năng lực, góp phần nâng chất hoạt động của Hội đồng KH&CN cấp cơ sở, nhận thức và hiểu biết về sở hữu trí tuệ của cơ sở, doanh nghiệp (DN) được nâng cao, đặc biệt là hoạt động bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, hỗ trợ chi phí đăng ký 140 nhãn hiệu cá thể, 10 nhãn hiệu tập thể, thanh lý hỗ trợ 4 nhãn hiệu tập thể, 15 kiểu dáng công nghiệp và 5 giải pháp hữu ích tại các địa phương.

Các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp và hỗ trợ tốt cho Sở KH&CN triển khai thực hiện Quyết định số 1607/QĐ-UBND của UBND tỉnh về xây dựng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, đã hoàn thành xây dựng 4 pa-nô tuyên truyền tại TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, Châu Thành, Chợ Mới; 32 cơ sở đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang; phát hành 2.000 tờ bướm, 2.000 áp-phích và 20.000 quyển sổ tay nhằm thông tin, tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận An Giang.

Giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã triển khai 165 đề tài cấp cơ sở, 59 dự án, mô hình nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, tập huấn và sản xuất thử nghiệm thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, nông nghiệp. Phần lớn các kết quả của đề tài cấp cơ sở và mô hình, dự án đã được tổ chức ứng dụng, nhân rộng tại địa phương. Một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được các huyện triển khai áp dụng có hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng, như: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống rau” ở Tân Châu (chi phí đầu tư 1,486 tỷ đồng/4.000m2, doanh thu 250-300 triệu đồng/1.000m2/năm, thời gian hoàn vốn 5,42 năm); “Sản xuất thử nghiệm nấm linh chi theo hướng công nghệ cao” tại huyện Thoại Sơn (chi phí đầu tư 476 triệu đồng/400m2 nhà trồng và 40m2 nhà sấy, doanh thu 333 triệu đồng/năm, thời gian hoàn vốn 1,09 năm); “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm hoa giống và hoa chậu trong nhà lưới có mái plastic” ở Châu Thành (chi phí đầu tư 671 triệu đồng/2.000m2, doanh thu 780 triệu đồng/1.000m2/năm, thời gian hoàn vốn 0,67 năm); “Sản xuất thử nghiệm dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới tự động” ở Tịnh Biên (chi phí đầu tư 1,734 tỷ đồng/3.490m2, doanh thu 371 triệu đồng/1.000m2/năm, thời gian hoàn vốn 2,3 năm).

Các địa phương còn phối hợp các đơn vị thuộc Sở KH&CN khảo nghiệm các giống cây mới, như: đậu phộng, các loại cây gốc ghép như: cà chua, cà tím, khổ qua... góp phần tạo ra các giống mới thay thế các giống thoái hóa của địa phương như các giống đậu phộng được trồng rộng rãi tại các huyện: An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên... Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cho kết quả rất tốt. Phần lớn các DN, cơ sở kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành tốt quy định của pháp luật, qua thanh tra 550 tổ chức, cá nhân, phát hiện 31 trường hợp vi phạm, xử phạt 545 triệu đồng.

Hiện tại, 11 UBND huyện, thị xã, thành phố và 156 UBND xã, phường, thị trấn đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015, góp phần đổi mới tác phong, lề lối thực hiện và xử lý công việc, nâng cao chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân khi tiếp xúc giải quyết công việc với cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển hoạt động KH&CN cấp huyện; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế quản lý và phối hợp, phát huy các nguồn lực, kết hợp xã hội hóa và hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH&CN. Lấy DN làm trung tâm, tập trung vào phát triển công nghiệp hóa dược, chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, ưu tiên phát triển DN lớn dẫn dắt thị trường, làm đầu mối để thúc đẩy hỗ trợ DN, cơ sở công nghiệp vùng nông thôn. Tập trung nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi thành tựu KH&CN trong sản xuất - kinh doanh; ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học về giống cây trồng, vật nuôi; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với những kết quả đã đạt được, cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của ngành KH&CN và địa phương, KH&CN sẽ thật sự trở thành động lực phát triển KTXH.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-cap-huyen-a297841.html