Nhiều kết quả trong công tác bình đẳng giới
Ảnh minh họa: Internet
Qua 10 năm triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện các nội dung về Luật BĐG trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả tốt.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, đoàn thể, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tỉnh đã có những bước chuyển biến về nhận thức, việc lồng ghép giới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn trước.
Nổi bật là các cơ quan, ban ngành đã quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, học cao học... Bản thân phụ nữ đã tự phấn đấu để xác định vị trí, vai trò của mình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Tỉ lệ phụ nữ được đào tạo và giải quyết việc làm ngày càng tăng. Trong đó, lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt trên 40%. Lực lượng phụ nữ được tiếp cận với kỹ thuật, cũng như các chương trình, dự án ngày càng nhiều góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình thực hiện tốt, phần lớn các chỉ tiêu cơ bản về cải thiện nâng cao sức khỏe cho phụ nữ đạt cao. Tỉ lệ phụ nữ dưới 40 tuổi được xóa mù chữ đạt cao so với kế hoạch đề ra. Huy động trẻ em gái đến trường trong các cấp học mầm non, mẫu giáo, tiểu học đạt tỉ lệ cao. Tỉ lệ trẻ em gái bỏ học ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban VSTBCPN tỉnh, thời gian qua, một số cấp ủy đảng và chính quyền chưa thật sự quan tâm về công tác BĐG, VSTBCPN; nhận thức của một bộ phận đảng viên, cán bộ còn hạn chế. Lồng ghép giới trong việc thực thi các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ nét. Công tác quản lý trên lĩnh vực thông tin truyền thông còn gặp nhiều bất cập.
Hình ảnh, thông điệp gây bất lợi cho phụ nữ vẫn còn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Cán bộ hoạt động trên lĩnh vực BĐG chưa quy định rõ ràng ở các cấp, đặc biệt ở cấp xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG. Cán bộ làm công tác BĐG, VSTBCPN hoạt động kiêm nhiệm vì vậy hiệu quả triển khai công tác này chưa cao. Việc cập nhật số liệu các mục tiêu, chỉ tiêu BĐG của tỉnh còn hạn chế.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, để Luật BĐG ngày càng đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả hơn, tỉnh đề xuất Trung ương và cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cán bộ nữ trong hệ thống chính trị và các ngành để đảm bảo tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đạt tỉ lệ theo mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG. Đồng thời thu hẹp đối tượng nữ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trên tổng số người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trên một lĩnh vực cụ thể để thuận tiện cho việc thu thập số liệu.