Nhiều khách mua hàng online hỏi cộc lốc 'Giá, bao tiền, inbox'
Nhiều người bán hàng rơi vào tình cảnh 'dở khóc, dở cười' khi nhận được hàng loạt phản hồi cụt lủn, không đầu đuôi từ khách hàng.
"Đắt thế, ai rảnh mua" là phản hồi mà Trâm Anh (26 tuổi), chủ một cửa hàng bán sách ngoại văn online ở Hà Nội, nhận được sau hơn một tiếng tư vấn cho khách hàng.
Dù có chút ngỡ ngàng, cô tự nhận đã quen rồi bởi cách trả lời chưng hửng, thô lỗ như vậy xảy ra như cơm bữa.
"Mình kinh doanh được 6-7 năm nay rồi, kiểu khách nào cũng đều gặp qua, nhất là người có thái độ giao tiếp thiếu lịch sự. Hồi đầu mình còn ấm ức, nhưng giờ quen rồi, chỉ thấy buồn vì không được tôn trọng thôi", Trâm Anh nói với Zing.
Những phản hồi súc tích tới mức cộc cằn, cách hỏi giá chưng hửng "giá, bao nhiêu, chấm" từ lâu đã khiến các chủ tiệm, nhân viên cửa hàng cảm thấy bối rối, không được tôn trọng.
Nhiều người chọn cách nhẫn nhịn vì châm ngôn "khách hàng là thượng đế", song số khác lại tỏ rõ thái độ không vừa lòng với tình huống trên.
Ấm ức vì cách hỏi "giá, nhiêu, bao tiền"
Chia sẻ với Zing, Trâm Anh cho biết suốt nhiều năm qua, cô từng gặp vô vàn tình huống "dở khóc, dở cười" với khách hàng. Cô nói rằng cách hỏi như trên chưa phải điều tệ nhất, mà là khi người mua liên tục giục báo giá, nhưng sau cùng lại chẳng ưng món nào.
"Nếu họ nói chuyện lạnh lùng, cụt lủn mà mua hàng thì mình cũng không thấy có vấn đề gì, có lẽ chỉ hơi ấm ức một chút. Nhưng nếu tiệm dành thời gian tư vấn, giải đáp hết thắc mắc này tới câu hỏi kia mà họ nhắn một câu 'Ai rảnh mua' thì thật không chấp nhận được".
Tuy nhiên, không phải chủ tiệm nào cũng chịu "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước hàng loạt câu hỏi tương tự.
Ngọc Huyền (23 tuổi), chủ tiệm mỹ phẩm online ở Hà Nội, thẳng thắn từ chối phục vụ những vị khách hỏi giá, nhờ tư vấn trống không như "nhiêu", "giá" hay "?".
Chủ tiệm cho biết cô không cảm thấy tức giận, chỉ cảm thấy mình không được tôn trọng.
Ngọc Huyền cho biết cô không ngại tư vấn cho khách hàng. Vốn dĩ, mặt hàng mỹ phẩm mà cô kinh doanh cần dựa vào loại da hoặc nhu cầu của khách hàng để lựa chọn sản phẩm.
Nếu người mua chưa tìm được sản phẩm ưng ý ở cửa hàng, Huyền cũng không bận lòng. Điều khiến cô buồn nhất là bản thân ít khi nhận được lời cảm ơn hoặc đáp lại từ họ.
“Mình cần gì nhiều đâu, chỉ cần khách trả lời ‘Ừ để mình xem thêm nhé’ hoặc ‘OK có gì mình sẽ nhắn’. Nhưng nhiều lần, họ chỉ đọc tin nhắn rồi để đó, không phản hồi”, cô kể lại.
Trút áp lực lên khách hàng
Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng bỏ qua cho những vị khách hỏi giá cộc lốc.
Đầu tháng 2/2019, khi nhận được dòng bình luận vỏn vẹn chữ “Nhiêu” từ một cô gái trẻ, một tiệm bán giày online đã đáp lại bằng những ngôn từ xéo xắt, thể hiện sự tức giận với thái độ mua hàng thiếu lịch sự của vị khách này.
“Giày này mình bán cho các bạn khác 950.000 đồng. Nhưng bán cho bạn 2,5 triệu đồng tặng kèm 7 cuốn sách giáo khoa Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 để bạn học lại cách chào hỏi ai đó, hoặc bày tỏ câu hỏi bạn muốn truyền đạt ai đó. Một câu hỏi khi đặt ra nếu có ăn học sẽ có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ bạn nha”, trích bình luận đáp trả của cửa hàng.
Thế nhưng, thay vì nhận được sự đồng tình của những người mua khác, tiệm lại hứng chịu nhiều chỉ trích do tỏ thái độ hách dịch với khách hàng, không chiều lòng “thượng đế”.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, uy tín và thiện cảm mà những người mua dành cho tiệm.
Mặt khác, tình trạng nhân viên trút giận, bực tức và áp lực lên đầu khách cũng diễn ra không ít trong cuộc sống hàng ngày.
Vốn thường xuyên mua sắm qua kênh thương mại điện tử, Huyền Trang (30 tuổi, Hà Nội) tự tin có kinh nghiệm lựa chọn các cửa hàng tin cậy, dịch vụ tốt. Cô chỉ bị nhân viên tư vấn nói chuyện thô lỗ duy nhất một lần, nhưng không bao giờ quên trải nghiệm ấy.
"Mình gọi điện vào số hotline của một cửa hàng thời trang trên mạng do cần mua gấp chiếc váy nọ. Mình hỏi giá cả, tình trạng món đồ rất lịch sự, nhưng người bán chỉ trả lời gọn lỏn 3 chữ: 'Hai trăm nghìn'", Huyền Trang kể.
Nữ khách hàng cứ ngỡ bản thân nghe nhầm, bèn lặp lại câu hỏi và vẫn nhận được câu trả lời "súc tích" như vừa nãy.
Cảm thấy không được tôn trọng, Huyền Trang lập tức góp ý với người bán hàng về thái độ tư vấn thiếu thiện chí. Đầu dây bên kia ngập ngừng giây lát rồi đáp: "Nhiều khách hỏi mà không mua hàng quá, mình ức chế nên trả lời như vậy".
Câu trả lời khiến Huyền Trang không thể tin vào tai mình. Cô cảm thấy tức giận, ấm ức do bị nhân viên cửa tiệm trút áp lực lên, trở thành "bao cát" bất đắc dĩ.
‘Một lời tử tế chẳng mất gì’
Phạm My (24 tuổi), chủ cửa hàng quần áo online nhỏ, khẳng định sẽ tư vấn và chăm sóc nhiệt tình với khách hàng trao đổi dễ thương, lễ phép hơn những ai xưng hô trống không.
Cô nghĩ rằng cửa hàng nào cũng muốn phục vụ các vị khách nói năng tử tế do cảm giác họ có văn hóa mua hàng hơn. Ngược lại, những ai ăn nói cộc lốc thường bị dè chừng hơn.
"Người nói chuyện cụt lủn, thô lỗ hay ‘đi kèm’ các sự cố ngoài ý muốn như đòi đổi đồ, phàn nàn sản phẩm hoặc bỏ ngoài tai lời tư vấn của cửa hàng. Những trường hợp đó mình cũng nản, mất nhiệt huyết ‘chốt đơn’, chấp nhận thà mất vị khách đó cho yên thân”, cô nói thêm.
Với tư cách một người mua hàng, Huyền Trang cho biết cô không đồng tình với cách trả giá của nhiều vị khách. Cô cho rằng cách nói chuyện như vậy thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với người bán.
“Mình hiểu ai cũng muốn nhắn nhanh chóng vì họ lướt một lúc nhiều shop khác nhau. Song, chủ cửa hàng phải tiếp lượng khách còn nhiều hơn như vậy. Nếu ai cũng nói chuyện không đầu đuôi như thế, nhân viên cửa hàng sẽ gặp áp lực, dễ gây ra hiểu lầm đáng tiếc".
Huyền Trang khẳng định dù là người mua hay người bán, việc bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời nói lịch sự là chuyện tất nhiên, chỉ nên phản ứng nếu đối phương có thái độ thô lỗ.
"Mình nghĩ một lời nói lịch sự, tử tế, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ chẳng mất gì. Nếu một trong hai phía có thái độ bất lịch sự, lúc đó mình phản ứng cũng không muộn".