Nhiều khó khăn khi nối lại vận tải hành khách liên tỉnh
Hiện các địa phương trong nước đều đã công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19'. Trong 63 tỉnh, thành phố có 26 địa phương cấp độ 1 (vùng xanh), 37 địa phương cấp độ 2 (vùng vàng). Tuy nhiên, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.
Từ ngày 13-20/10/2021, tỉnh Quảng Trị thực hiện khai thác thí điểm 3 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh gồm Lao Bảo - Ba Đồn (Quảng Bình); Lao Bảo - Đồng Hới (Quảng Bình) và tuyến Lao Bảo - Bắc Ninh theo Quyết định 1777/ QĐ-BGTVT ngày 10/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Thực hiện thí điểm, Bến xe khách Lao Bảo đã tổ chức 15 chuyến xe đến 2 tỉnh nói trên với tổng số khách thực tế lên xe tại bến là 60 người. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho hay, trong thời gian thực hiện thí điểm khai thác 3 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên, các nhà xe đều gặp khó khăn vì số lượng hành khách đi lại còn ít do người dân vẫn còn e ngại, lo lắng về dịch bệnh nên chưa muốn đi lại bằng phương tiện công cộng và nhiều địa phương vẫn còn có những quy định khác nhau về việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách đến địa phương.
Một số tỉnh, thành phố dù thuộc “vùng xanh” vẫn duy trì chốt kiểm soát COVID-19 và hạn chế hoặc chưa cho hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trở lại. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo kết quả cụ thể với Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh. Đến ngày 22/10/2021, căn cứ đề xuất của Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 5066/UBND-CN đồng ý cho phép hoạt động trở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đối với các tỉnh, thành phố có cấp độ dịch cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Đơn vị đã chủ động kết nối với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có tuyến đối lưu đề nghị mở lại tuyến với tần suất hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được Sở Giao thông vận tải công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách trên phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều địa phương chưa trả lời nên việc vận tải hành khách liên tỉnh từ Quảng Trị đến nhiều địa phương trong nước chưa thể thực hiện được.
Tại Bến xe khách Lao Bảo có 118 xe đăng ký hoạt động, trong đó có 54 xe khách liên tỉnh khai thác 11 tuyến. Sau thời gian nghỉ dịch, bến xe này bắt đầu đi vào hoạt động trở lại từ ngày 13/10/2021 với 3 tuyến liên tỉnh thí điểm theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải. Sau khi các tỉnh, thành phố công bố cấp độ dịch, đến nay bến xe đưa vào khai thác 6 tuyến gồm: Lao Bảo - Ba Đồn, Lao Bảo - Lệ Thủy, Lao Bảo - Đồng Hới (Quảng Bình); Lao Bảo - Hà Nội; Lao Bảo - Vinh (Nghệ An); Lao Bảo - Bắc Ninh.
Bà Đinh Thị Suê, chủ xe khách Quảng Hà chạy tuyến Lao Bảo - Ba Đồn chia sẻ: “Sau khi nghỉ 1,5 tháng vì COVID-19, xe chúng tôi mới chạy trở lại hơn 10 ngày nay nhưng khó khăn lắm, ngày nào cũng phải bù lỗ. Những ngày đầu tiên chi phí mỗi chuyến (2 chiều ra - vào) khoảng 2,3 triệu đồng gồm tiền dầu, tiền công tài xế, phí cầu đường, ăn uống dọc đường, xét nghiệm âm tính COVID-19 có hiệu lực trong 72 giờ đối với lái xe và nhân viên phục vụ (quy định xét nghiệm mới bỏ thực hiện trong những ngày gần đây) trong khi tiền thu lại từ khách chỉ dao động từ 1,2 - 2,2 triệu đồng. Có ngày chạy vào, ra nhưng chỉ có 2 hành khách.
Để có thêm thu nhập trang trải chi phí, chúng tôi nhận vận chuyển thêm hàng hóa, nông sản người dân gửi, tuy nhiên không phải ngày nào cũng có nhiều hàng nên khoản thu này rất bấp bênh. Khách ít, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường nên đến giờ xe chúng tôi vẫn chưa dám mua vé cầu đường theo tháng, dù biết mua vé theo tháng được giảm giá tới 50% nhưng chi phí bỏ ra một lần 1,4 triệu đồng mà không biết có được chạy liên tục hay không nên chúng tôi vẫn chấp nhận mua vé cầu đường trả theo ngày, vì thế chi phí cũng tăng lên. Mặc dù bù lỗ nhưng chúng tôi cố gắng duy trì chuyến để tạo sự ổn định nhằm kết nối lại hành khách trong thời gian tới”.
Trong khi đó tại Bến xe khách Đông Hà có gần 170 xe đăng ký khai thác 13 tuyến liên tỉnh. Sau thời gian nghỉ dịch đến ngày 24/10/2021, bến xe mới đưa vào khai thác tuyến Đông Hà - Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Xuân Tịnh, Trưởng Bến xe khách Đông Hà, tuyến Đông Hà - Bà Rịa Vũng Tàu mới chỉ có một xe 74B.00577 của Hợp tác xã ô tô Đông Hà xuất bến ngày 22/10/2021 nhưng không có hành khách nào làm thủ tục đăng ký tại bến mà xe chủ yếu chở hàng hóa, thực phẩm tươi sống và đông lạnh do người dân trong tỉnh gửi cho người thân ở miền Nam. Thực tế thì nhu cầu đi lại của hành khách bằng phương tiện công cộng hiện vẫn còn rất ít do lo sợ dịch bệnh.
Mặt khác, một số địa phương dù đã công bố cấp độ dịch nhưng vẫn có những quy định khác nhau về thủ tục như quy định lái xe, nhân viên phục vụ phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hành khách phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ và phải báo trước khi vào bến đối lưu một ngày nếu không sẽ không được vào bến… Nói là hoạt động bình thường nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, bên cạnh lý do liên quan đến nhu cầu, tâm lý e ngại của người dân trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng thì hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn gặp khó khăn do phần lớn lái xe, phụ xe và nhân viên phục vụ xe liên tỉnh ở Quảng Trị mới chỉ tiêm được 1 mũi vắc xin nên cảm thấy chưa yên tâm khi quay trở lại làm việc.
Có thể nói, việc nối lại hoạt động vận tải liên tỉnh được coi là tiền đề để khôi phục nền kinh tế vì thế trong thời gian tới, bên cạnh việc bám sát hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải thống nhất phương án kết nối vận tải hành khách liên tỉnh bảo đảm an toàn phòng dịch, ngành giao thông vận tải cần tăng cường giám sát, kiểm soát người và phương tiện tham gia vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định, điểm đầu và điểm cuối của hành trình cũng như tổ chức điểm dừng nghỉ, đón, trả khách đúng điểm cho phép (không được đón, trả khách dọc đường). Đồng thời, đề xuất tỉnh đẩy nhanh việc tiêm vắc xin mũi 2 cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ của các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải.