NHIỀU KHÓ KHĂN, LÚNG TÚNG TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành' với TP.Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, chiều 9/3, các địa phương đã báo cáo làm rõ hơn tình hình triển khai, nguyên nhân chậm tiến độ lập quy hoạch thành phố/tỉnh và những vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện.
Các địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác lập quy hoạch
Qua báo cáo của 3 địa phương đều cho thấy, việc lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch tỉnh Bình Dương và quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030 đều rất chậm. Cụ thể, Đồng Nai hiện mới đang triển khai lập quy hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập quy hoạch.
Đối với lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều nội dung chưa hoàn thành (đang rà soát để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung; quy hoạch chung của Thành phố Thủ Đức mới phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa hoàn thành; các quy hoạch khác mới hoàn thành định hướng). Tỉnh Đồng Nai báo cáo đã hoàn thành các quy hoạch xây dựng trọng tâm, các quy hoạch khác chưa báo cáo rõ kết quả, tiến độ. Riêng Bình Dương báo cáo còn chung chung, chưa cụ thể về nội dung này.
Mặc dù xác định công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng nhưng công tác lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Luật quy hoạch còn chậm so với các địa phương khác. Tính đến thời điểm làm việc với Đoàn giám sát công tác xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố đã gần hoàn tất. Ngày 08 tháng 3 năm 2022, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Tuy nhiên, phải đến ngày 07 tháng 5 năm 2019, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch; ngày 17 tháng 5 năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch. Do đó, trong khoảng thời gian này, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ, định mức chi phí, yêu cầu về nội dung… cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cũng như điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch.
Mặt khác, các quy hoạch cấp quốc gia – là một trong những căn cứ quan trọng để lập quy hoạch Thành phố chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 cho phép các địa phương có thể lập đồng thời các quy hoạch mà không phải đợi các quy hoạch cao hơn được quyết định hoặc phê duyệt. Đối với các địa phương lớn như Thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp tỷ trọng lớn cho kinh tế cả nước, định hướng phát triển của cả nước có tác động lớn đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; dẫn đến Thành phố gặp phải lúng túng trong việc lập quy hoạch địa phương mình. Ngoài ra, các quy hoạch cấp quốc gia đang được lập chỉ cho một số lĩnh vực như: giao thông, an ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy…; cũng khó tạo sự đồng nhất giữa các loại quy hoạch với nhau.
Đây là lần đầu tiên triển khai lập quy hoạch Thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch, ngoài ra, cũng là lần đầu chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Do đó, trong quá trình triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, Thành phố có lúng túng về công tác thẩm định dự toán chi phí lập quy hoạch theo quy định tại Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công năm 2019.
Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang lập đồng thời 04 quy hoạch: Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Quy hoạch tổng thể hệ thống Thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Cấp nước Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, thời kỳ và tầm nhìn lập các quy hoạch trên là khác nhau nên Thành phố có khó khăn đối với yêu cầu đồng bộ, tương thích về nội dung và thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch nêu trên trong quá trình lập.
Có chung phản ánh về những khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, theo báo cáo của tỉnh Bình Dương, khó khăn cho địa phương khi thực hiện song song quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp và có sự liên kết. Việc chậm có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch cùng làm cho các bộ, ngành địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tiễn triển khai
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan tâm đến vấn đề các địa phương khác đều gặp vướng mắc trong lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước, chưa có hướng dẫn về thanh quyết toán chi phí thuê tư vấn; việc sử dụng vốn đầu tư công cho nhiệm vụ lập quy hoạch với quy trình thủ tục phức tạp…nhưng báo cáo của tỉnh Đồng Nai chưa cụ thể vấn đề này và đề nghị có báo cáo bổ sung, làm rõ với Đoàn giám sát.
Theo báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đều chỉ rõ khó khăn trong công tác lựa chọn nhà thầu đơn vị tư vấn lập quy hoạch và cho rằng, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu hiện nay phải trải qua nhiều công đoạn, trình tự thủ tục, ảnh hưởng kéo dài công tác xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và lập quy hoạch. Các đơn vị tư vấn đủ kinh nghiệm, năng lực xây dựng quy hoạch rất ít, cùng thời điểm này nhiều tỉnh, thành trong cả nước cùng xây dựng quy hoạch tỉnh nên Thành phố có khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thích hợp cho công tác xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và công tác lập quy hoạch thành phố sau đó.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng thì cho biết, báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh không thấy đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật nhất là việc vận dụng Luật Quy hoạch vào lập quy hoạch thành phố. Trong khi đó khi Đoàn giám sát làm việc với Hà Nội, Hà Nội có phụ lục nêu rõ 43 nội dung vướng mắc liên quan đến các quy định trong Luật và văn bản hướng dẫn. Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ vấn đề này.
Nhận định việc lựa chọn đơn vị tư vấn là khó khăn chung của các bộ ngành và các địa phương, trong khi đó tỉnh Đồng Nai đã triển khai thuê được hai tư vấn từ nước ngoài, đây là điểm khác biệt so với hầu hết các đơn vị. Do đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tỉnh Đồng Nai chia sẻ thêm kinh nghiệm trong quá trình đánh giá, lựa chọn đơn vị tư vấn và kinh phí cho nội dung này.
Đây cũng là vấn đề Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt quan tâm và đề nghị Đồng Nai cho biết thêm trong quá trình đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện nhiệm vụ có gặp khó khăn, vướng mắc gì do Luật hay không?
Báo cáo làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng chia sẻ, để triển khai lập quy hoạch tỉnh, Đồng Nai đã thuê tư vấn nước ngoài. Sau khi huy động nguồn lực bên ngoài, tỉnh lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực. Trước tình hình thực tiễn của tỉnh với lợi thế dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu đối với quy hoạch tỉnh như xung quanh sân bay phải có những gì, tác động của sân bay đến phát triển khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, bắt buộc tỉnh phải lựa chọn được đơn vị tư vấn có kinh nghiệm cho lập quy hoạch tỉnh. Hiện đơn vị tư vấn đang lập đề cương thực hiện các bước và trong giai đoạn đầu này chưa phát sinh bất cập.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết thêm Đồng Nai có cách làm chặt chẽ trong lập quy hoạch tỉnh. Theo đó, đơn vị tư vấn đưa ý kiến, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn và dự báo xu hướng phát triển để tỉnh lựa chọn phương án phù hợp nhất, tốt nhất. Tỉnh cũng sẽ đề nghị các bộ, ngành góp ý kiến một cách cụ thể, tích hợp nội dung của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để từ đó tỉnh có cơ sở nghiên cứu tiếp thu đầy đủ và đưa vào hồ sơ quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất giữa các loại quy hoạch. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, việc lấy ý kiến người dân cũng cần được chú trọng, thông qua các kênh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để việc lấy ý kiến được rộng rãi và sâu sát.
Kết luận nội dung buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các địa phương cần phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và xây dựng quy hoạch Thành phố/tỉnh thời kỳ 2021 -2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác phối hợp nếu không thực hiện tốt sẽ không bảo đảm được chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của chính các địa phương. Hiện nay, các quy hoạch đang được lập song song, hầu hết chưa hoàn thành. Hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa hoàn chỉnh. Do đó, càng phải phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương đánh giá cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch.
Qua làm việc với các bộ, các địa phương cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch là bởi còn có sự bất cập về chính sách, pháp luật, có nội dung chưa thống nhất giữa Luật Quy hoạch với các luật khác, nhất là các văn bản pháp luật chuyên ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương từ thực tiễn triển khai vừa qua tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn những bất cập về chính sách, pháp luật, nêu rõ những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Quy hoạch cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật này./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=62685