Nhiều khó khăn trong cưỡng chế thi hành án dân sự
Nhiều tình huống éo le xảy ra trong các vụ tổ chức cưỡng chế, thi hành án khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn. Giải quyết những vụ việc này đòi hỏi những người thực thi pháp luật phải có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng xử lý tình huống linh hoạt, nếu không sẽ rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến tiến độ cưỡng chế, thi hành án. Đó là một số khó khăn trong công tác cưỡng chế tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Tuyên Quang.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng giúp giải quyết các vụ việc cưỡng chế
đảm bảo sự minh bạch, đúng pháp luật và an toàn.
Đồng chí Trần Hữu Cường, Chi cục trưởng, Chi cục THADS thành phố Tuyên Quang cho biết, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nhiều đến công tác thi hành án, nhiều đương sự chây ỳ, lẩn tránh diễn ra thường xuyên, đặc biệt các chế tài kiểm soát tài sản trong các tài khoản cá nhân tại các tổ chức tín dụng hiện còn thiếu nên việc tịch thu tài sản bằng tiền càng khó khăn hơn rất nhiều. Ngay từ đầu năm, để hoàn thành chỉ tiêu được giao, đơn vị đã khẩn trương giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể chấp hành viên, cán bộ địa bàn sát với tình hình thực tế để hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện có hiệu quả các vụ việc được giao.
Trong vòng 3 năm, từ năm 2019 đến hết năm 2021 Chi cục THADS thành phố đã thi hành xong 2.550 vụ việc, thu hồi số tiền trên 27 tỷ đồng. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, Chi cục đã giải quyết được 275 vụ, thu hồi số tiền trên 6,2 tỷ đồng. Chấp hành viên Hoàng Phương Hoa chia sẻ, bản thân chị là người trực tiếp đi thực hiện các vụ việc cưỡng chế, quá trình tổ chức thi hành án từ thực tiễn ở địa phương cho thấy một số trường hợp buộc xin lỗi công khai, nhưng khi có quyết định thi hành án thì người phải thi hành án đi khỏi địa phương không xác định được địa chỉ cư trú cụ thể mà việc buộc thực hiện một công việc nhất định này không thể thay thế cho người khác, nên không thể tổ chức cưỡng chế thi hành án được và cũng không thể xét miễn giảm cũng như ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án được. Một số trường hợp người phải thi hành án chống đối quyết liệt, không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Đối với loại việc này, thì trước khi cưỡng chế hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố tội không chấp hành án theo định.
Chấp hành viên Hà Duy Hiển, người có thâm niên nhiều năm đi thực hiện các vụ cưỡng chế chia sẻ, tại Điều 115, Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 có quy định, nếu người phải thi hành án không tự chuyển tài sản ra khỏi nhà, đất thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa tài sản ra khỏi nhà, đất. Tuy nhiên, trong trường hợp người phải thi hành án chống đối thì việc đưa tài sản ra hết sức khó khăn bởi không thể xác định được đầy đủ tài sản của người phải thi hành án gồm những gì; nhiều tài sản nằm ở những vị trí mà người tiến hành cưỡng chế không thể biết được (như nằm dưới đất, âm tường, trên mái nhà...).
Thực tế này dẫn đến sau khi tổ chức cưỡng chế xong thì người phải thi hành án cho rằng, vẫn còn tài sản của họ trong nhà, xưởng, quyền sử dụng đất đã được giao cho người được thi hành án. Đặc biệt quy định về khấu trừ qua tài khoản của người phải thi hành án, hiện các cơ quan thi hành án khó kiểm soát được số tài sản trong tài khoản của người phải thi hành. Các tổ chức tín dụng cũng có nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, đây cũng một trong những khó khăn với các cơ quan thi hành án dân sự.
Đồng chí Nguyễn Hữu Cường cũng cho biết thêm, qua các vụ việc cũng cho thấy, cần những chế tài thuận lợi hơn đối với các lực lượng chức năng trong khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt là hiện nay, các vụ việc có tính chống đối diễn ra có xu hướng gia tăng hơn so với trước, do vậy lực lượng chấp hành viên làm nhiệm vụ thường xuyên có sự phối hợp chặt với các ngành trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc, đồng thời cũng kiến nghị lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các đối tượng chây ỳ, chống đối cưỡng chế, thi hành án để làm gương, kể cả phải xử lý hình sự.