Nhiều khó khăn trong hoạt động chế biến nông, thủy sản

Đưa công nghệ vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Sản xuất dứa xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, xã Trung Thành (Nông Cống).

Tuy nhiên, việc này chưa được các doanh nghiệp và người sản xuất trong tỉnh quan tâm đúng mức, gây ảnh hưởng đến chất lượng, giảm giá trị kinh tế và thương hiệu của nông sản địa phương.

Gần đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị sử dụng công nghệ chế biến hiện đại vào hoạt động có hiệu quả, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường. Ðiển hình, như: Nhà máy Giết mổ và Chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) do liên doanh Tập đoàn Master Good (Hungary) và Công ty CP Nông sản Phú Gia hợp tác xây dựng đi vào hoạt động vào cuối năm 2019; Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn).

Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án lớn đã đi vào hoạt động, phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản ở tỉnh ta vẫn còn nhỏ lẻ, công suất thấp, hạn chế. Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại địa bàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và hàng nghìn hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị gia tăng không cao, tổn thất nhiều. Các nông sản chủ lực như: Lạc, cà chua, rau màu... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng gói bao bì và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn. Công nghệ chế biến cũng đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi khi chưa có nhiều cơ sở chế biến, giết mổ tập trung. Chế biến thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao... Phần đông nông dân vẫn chưa nhận thức đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao cho nông dân về công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa được các địa phương chú trọng đúng mức. Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp, số được đào tạo chủ yếu theo nhu cầu của doanh nghiệp là trở ngại lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Mặt khác, người sản xuất thường bị động về thông tin thị trường nên dẫn đến tình trạng được mùa thì lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận không cao, hạn chế tích lũy nên thiếu vốn để đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc đồng bộ. Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nhân rộng các mô hình bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hải sản và xác nhận quyền sở hữu các mặt hàng của địa phương. Trong khi đó, quy mô của nhiều vùng sản xuất chưa bảo đảm tập trung để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản sau thu hoạch.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục rà soát, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định. Đồng thời, giải quyết đồng bộ các vấn đề về thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, thủy sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhieu-kho-khan-trong-hoat-dong-che-bien-nong-thuy-san/115153.htm