Nhiều khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải rắn
Cùng với sự phát triển KT-XH, dân số, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, vấn đề thu gom, xử lý hiệu quả CTR sinh hoạt đang là bài toán khó đối với các địa phương, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê năm 2021, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh khoảng128.152,3 tấn. Các nguồn phát sinh CTR sinh hoạt bao gồm hộ gia đình, khu thương mại, dịch vụ, công sở, khu công cộng, dịch vụ vệ sinh, các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập các trung tâm, công ty, hợp tác xã môi trường đô thị thu gom, vận chuyển CTR về bãi chôn lấp tập trung của từng địa phương. Tỉ lệ thu gom CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 93,5%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 95,5% và khu vực nông thôn đạt 62%.
Tại khu vực đô thị, nhìn chung rác thải sinh hoạt đã được thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ở khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển rác thải thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này. Riêng trên địa bàn hai huyện Đakrông, Hướng Hóa có diện tích rộng, dân cư sinh sống rải rác, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương có hạn nên việc thu gom rác thải tập trung chưa được thực hiện đồng bộ ở các xã.
Thời gian qua, hoạt động phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền quan tâm và thực hiện thí điểm mô hình phân loại tại một số xã. UBND tỉnh và các địa phương cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định liên quan đến việc phân loại CTR tại nguồn cũng như thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua hoạt động của các chi hội phụ nữ. Một số mô hình phân loại, tái chế, tái sử dụng CTR sinh hoạt được Sở Tài nguyên và Môi trường phát động, thực hiện thí điểm có hiệu quả ở quy mô cấp xã như các mô hình: “Tăng cường năng lực phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn thí điểm tại xã Hải Vĩnh (nay là xã Hải Hưng), huyện Hải Lăng”; “Tăng cường năng lực phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông”… Ngoài ra, các địa phương đã nhân rộng mô hình xử lý phân hữu cơ bằng thùng rác cao su không đáy đi kèm với chế phẩm vi sinh góp phần giảm thiểu khối lượng rác thải hữu cơ cần thu gom, xử lý.
Mặc dù luật quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải CTR sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại tại nguồn nhưng thực tế hiện nay phần lớn CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, việc phân loại tại nguồn phát sinh mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế. Người dân chủ yếu phân loại một số rác thải nhựa tận dụng bán phế liệu hoặc tái sử dụng, phần lớn vẫn thu gom và xử lý chung cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp. Do đó, tỉ lệ phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 11,4%.
Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ khả năng tái chế, tái sử dụng quy mô lớn các loại vật liệu còn giá trị sử dụng từ việc phân loại tại nguồn chất thải sinh hoạt. Hoạt động tái chế, tái sử dụng của các cơ sở phế liệu nhỏ lẻ có khả năng gây ô nhiễm môi trường cục bộ, đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, thống kê lượng chất thải được tái chế. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải phụ thuộc nhiều vào hoạt động phân loại CTR tại nguồn, trong khi thực tế chất thải sau khi được phân loại phần lớn vẫn bị trộn lẫn và thu gom, xử lý chung.
Theo quy hoạch quản lý CTR tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh có 19 bãi chôn lấp, lò đốt và 3 nhà máy, khu xử lý CTR. Tuy nhiên do kinh phí xây dựng các bãi chôn lấp CTR khá lớn, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương nên nhiều bãi chôn lấp CTR đã được quy hoạch nhưng không có kinh phí để xây dựng. Hiện mới có 11 bãi chôn lấp CTR, 1 khu xử lý rác thải và 1 lò đốt hoạt động. Tại bãi chôn lấp CTR thành phố Đông Hà thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà, bình quân mỗi ngày xử lý 80 tấn CTR theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2021, tỉ lệ CTR sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường là 91,15%.
Nhằm tăng cường năng lực và nâng cao tỉ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR gây ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn quản lý CTR, tăng chỉ tiêu kinh phí sự nghiệp môi trường, đảm bảo nguồn kinh phí bố trí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR theo quy định, huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTR sinh hoạt. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng CTR sinh hoạt, thải bỏ rác đúng nơi quy định.