Nhiều khó khăn trong việc triển khai Đề án 818 tại Quảng Ngãi
Để thực hiện Đề án 818 trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ triển khai lồng ghép giới thiệu sản phẩm của Đề án đặc biệt các phương tiện tránh thai hiện đại có có tác dụng lâu dài và hiệu quả vào các nội dung tuyên truyền các hoạt động về dân số và phát triển.
Ngày 18/10/2019 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi". Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ có chất lượng, đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình mục tiêu y tế - dân số trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, đa dạng hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, chú trọng vào các phương tiện tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Đảm bảo mỗi loại phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có ít nhất từ 2 đến 3 chủng loại khác nhau được đưa vào cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường tiếp cận dịch vụ cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS của người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS… Đề án được triển khai tại 14 huyện, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi, ngày 19/11/2019 Chi cục đã phối hợp với Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức Hội thảo triển khai Đề án 818có 95 đại biểu tham dự hội thảo gồm lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh và các cán bộ các phòng ban, các lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, cán bộ Trạm Y tế, cộng tác viên dân số, báo đài... đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi về tham dự và đưa tin.
Bước đầu mới tổ chức lồng ghép chương trình trong các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn triển khai của Trung ương, tỉnh, huyện về xã xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, người dân ở các huyện, thị xã, thành phố, qua đó nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, cũng như trong việc tầm soát các bệnh của phụ nữ.
Hiện nay, Quảng Ngãi đang duy trì phân phối tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, kết quả phân phối từ năm 2016 – 2020, cụ thể: Bao cao su Nighthappy 152.310 chiếc, Viên uống tránh thai Nighthappy 17.047 vỉ, Vòng tránh thai Ideal 567 chiếc. Chưa hình thành hệ thống cung cấp, phân phối sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Đề án 818.
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai Đề án 818. Cụ thể, nhận thức của người dân từ việc bao cấp phương tiện tránh thai miễn phí đã kéo dài nhiều năm. Tâm lý, thói quen được bao cấp chuyển sang xã hội hóa tự chi trả tiền chưa cao vẫn còn trông chờ cấp miễn phí.
Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về DS-KHHGĐ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các hoạt động dịch vụ tư vấn KHHGĐ và quản lý các phương tiện tránh thai, không có chức năng mua bán các sản phẩm trong Đề án. Vì vậy, hiện nay, Quảng Ngãi chưa thể triển khai đăng ký và nhận sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS từ Ban quản lý Đề án 818. Việc mua bán phải có hóa đơn tài chính và các khoản thuế… theo quy định nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, tại Quảng Ngãi, tổ chức bộ máy làm công tác dân số thiếu ổn định và luôn thay đổi. Số lượng biên chế tại Chi cục DS-KHHGĐ còn thiếu, khối lượng công việc lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Do đó, để thực hiện Đề án 818 trong thời gian tới, Chi cục sẽ triển khai lồng ghép nội dung giới thiệu hàng hóa và dịch vụ KHHGD/SKSS, đặc biệt các phương tiện tránh thai hiện đại có có tác dụng lâu dài và hiệu quả; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng phương tiện tránh thai hiện đại vào các nội dung tuyên truyền các hoạt động dân số và phát triển.