Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM bế tắc vì vướng mặt bằng
Hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM dù đã có quyết định thành lập từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn đình trệ vì chưa giải phóng được mặt bằng.
Vướng chủ yếu là giải phóng mặt bằng
“Hiện nay, quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp tại TP.HCM chỉ có 74 ha, nhưng nằm rải rác, manh mún ở nhiều khu. Nhiều khu đất tại các khu công nghiệp vướng giải phóng mặt bằng, nên chưa có diện tích lớn để thu hút đầu tư”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Quản lý đầu tư của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) nêu khó khăn về thu hút đầu tư tại buổi họp mới đây.
Thiếu quỹ đất đang là “điểm nghẽn” chính khiến TP.HCM không thu hút được các dự án lớn và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố liên tục sụt giảm những năm gần đây. Nhiều khu công nghiệp tại Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được vì vướng giải phóng mặt bằng.
Cuối tháng 6/2024, Hepza có Văn bản số 1784/BQL-VP báo cáo UBND TP.HCM về các dự án khu công nghiệp chậm triển khai. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Bình Chánh, có đến 4 khu công nghiệp với diện tích hàng trăm héc-ta chậm triển khai. Trong đó, Khu công nghiệp Phong Phú diện tích 67 ha, được thành lập từ năm 2002, song vẫn chưa xây dựng được hạ tầng để cho thuê đất.
Theo báo cáo của Hepza, Dự án Khu công nghiệp Phong Phú chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư cũng chưa ký được hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, Dự án chưa triển khai xây dựng hạ tầng và chưa đi vào hoạt động. Do Dự án đình trệ 20 năm, nên thời gian hoạt động còn lại chỉ là 30 năm. Hepza cho rằng, với thời hạn hoạt động như vậy, sẽ khó thu hút đầu tư.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng với diện tích 56 ha cũng chưa thực hiện được. Dự án đã có thông báo thu hồi đất và triển khai khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, nhưng đang phải tạm ngưng thực hiện vì chưa thể ký hợp đồng thực hiện bồi thường với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh.
Được biết, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng) đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá lại chi phí đã đầu tư vào Dự án để thực hiện quyết toán chuyển thể từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Hơn nữa, giá đất tại khu vực Dự án tăng dẫn đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng, công tác bồi thường khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư Dự án.
Cùng chung tình trạng bế tắc là Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 với diện tích 200 ha. Dự án này đang vướng về bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, nên chưa thể triển khai.
Khác với những dự án trên, Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 diện tích 319 ha đang vướng mắc do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 chưa chấm dứt được hợp đồng hợp tác với các đối tác góp vốn. Do vậy, Dự án không thể thực hiện các bước tiếp theo.
Gấp rút bổ sung 11 khu công nghiệp mới
Theo số liệu của Hepza, TP.HCM được quy hoạch gần 6.000 ha đất công nghiệp, nhưng có tới 1.500 ha đang vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Quản lý đầu tư của Hepza cho biết, những vướng mắc liên quan đến việc đầu tư các khu công nghiệp mới tại TP.HCM chủ yếu liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, vướng tài sản công... Đây là vấn đề nan giải, đã tồn tại từ nhiều năm nay.
Năm 2024, Hepza chỉ đặt mục tiêu thu hút đầu tư khiêm tốn 550 triệu USD vào các khu chế xuất, khu công nghiệp. Mục tiêu này được xem là khả thi trong bối cảnh Thành phố chỉ có 74 ha đất công nghiệp “sạch” để thu hút đầu tư. “Thành phố vẫn đang thực hiện các công việc tháo gỡ để thêm quỹ đất mới thu hút đầu tư”, bà Ngọc thông tin.
Trong khi nhiều khu công nghiệp đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, mọi kỳ vọng đang dồn vào Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II (huyện Bình Chánh), với tổng diện tích 668 ha. So với việc xây dựng các khu công nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II thuận lợi hơn rất nhiều khi 97% quỹ đất tại đây là đất nông nghiệp do TP.HCM quản lý, nhưng hiệu quả kinh tế thấp do đất bị nhiễm phèn nặng, luôn bị xâm nhập mặn, nên việc giải phóng mặt bằng không mất nhiều thời gian.
Hiện tại, Hepza đang làm các thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II. Theo kế hoạch dự kiến, khu công nghiệp này sẽ được khởi công trong năm 2025 và nhanh nhất thì phải đến năm 2026 hoặc năm 2027 mới có đất để cho thuê.
Để có thêm quỹ đất công nghiệp thu hút đầu tư trong những năm tới, Hepza đề xuất bổ sung hàng loạt khu công nghiệp mới. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng Hepza cho biết, Ban Quản lý phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tìm các khu đất nông nghiệp khai thác không hiệu quả, đề xuất chuyển đổi thành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ.
“Chúng tôi đã có văn bản đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư (hai cơ quan chủ trì soạn thảo việc điều chỉnh quy hoạch của TP.HCM) đưa thêm 11 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 4.127 ha vào quy hoạch những năm tới”, ông Bình cho biết.
Để không bỏ lỡ làn sóng đầu tư mới, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, nếu TP.HCM chậm gỡ điểm nghẽn về quỹ đất, thì sẽ lỡ cơ hội.
Ông ví những nhà đầu tư này như “đại bàng”, nhưng TP.HCM hiện tại chỉ có tổ của “chim sẻ”, không đủ sức thu hút và giữ “đại bàng” ở lại. “Nếu TP.HCM không xử lý được điểm nghẽn về đất, thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể thu hút đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.