Nhiều khu dân cư ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh: Mong có giếng khoan

Hiện nay, huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn nhiều khu vực dân cư, trường học cần được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng giếng khoan để lấy nước sinh hoạt.

Xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) có 1 hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng từ năm 1999, phục vụ cho 400 hộ dân, nhưng hiện nay, hệ thống nước đã hư hỏng nặng, dẫn đến nhiều khu vực trên địa bàn xã bị thiếu nước. Ông Cao Danh, thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam cho biết, ở khu vực nhà ông có khoảng 20 hộ sinh sống. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vào mùa khô hạn, mọi người thường phải sử dụng nước từ nhiều nguồn khác không đảm bảo như nước suối, giếng đào không hợp vệ sinh…hoặc phải đi mua nước từ nơi khác về dùng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay, trên địa bàn huyện còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại một số khu vực địa hình cao, hệ thống nước sinh hoạt không thể tải lên được. Thời gian qua, việc giải quyết nước sinh hoạt bằng hình thức hỗ trợ đào giếng không hiệu quả vì các giếng đào đều bị cạn nước vào mùa khô. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực này thường xảy ra; các hộ phải sử dụng nước suối hay nước giếng không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống. Trước thực tế trên, UBND huyện đã đề xuất xin hỗ trợ các công trình giếng khoan để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Điểm trường A Meo của Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh chưa có giếng khoan phục vụ hoạt động.

Điểm trường A Meo của Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh chưa có giếng khoan phục vụ hoạt động.

Hiện nay, qua khảo sát, nhu cầu giếng khoan trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 24 giếng có bể xử lý lắng lọc, hàng rào bảo vệ, triển khai tại các xã: Sơn Bình (3 giếng), Ba Cụm Bắc (6 giếng), Ba Cụm Nam (5 giếng), Sơn Trung (9 giếng) và thị trấn Tô Hạp (1 giếng). Các khu vực khoan giếng có địa chất phức tạp, nhiều loại đất đá cứng, phải khoan sâu mới có nước, độ sâu khoan trung bình từ 65m đến 100m, có giếng hơn 100m mới có nước. Để xử lý nước, cần xây dựng bể chứa nước sạch dung tích 11m3, bể lọc với công suất lọc khoảng 15m3/giờ. Tổng kinh phí cho 24 giếng khoan dự kiến 7,2 tỷ đồng.

Tại huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, cơ sở hạ tầng các trường tiểu học và THCS cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, có một số trường đã được đầu tư đạt trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường học chưa đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt đảm bảo yêu cầu vệ sinh cho các trường. Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, nhu cầu xây dựng giếng khoan cho các trường học trên địa bàn huyện hiện nay là 30 giếng, xây dựng tại các điểm trường. Vừa qua, UBND huyện cũng đã có tờ trình gửi Sở Tài Chính và Ban Dân tộc tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Các giếng khoan có độ sâu trung bình 80m đến 100m và cũng sẽ có bể chứa nước sạch, bể lọc lưu lượng 15m3/giờ... với tổng kinh phí dự kiến 9 tỷ đồng.

Được biết, với nhu cầu thực tế trên và đề nghị của các địa phương, Sở Tài chính sẽ phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá sự cần thiết, mức vốn đầu tư và khả năng cân đối ngân sách trong 6 tháng đầu năm để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

VĨNH THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202003/nhieu-khu-dan-cu-o-khanh-son-khanh-vinh-mong-co-gieng-khoan-8155254/